'Đất Võ' Bình Định không giấy tờ
Vị giám đốc Sở phê duyệt công văn, giấy tờ trên iPad, hàng trăm văn bản mỗi ngày được đưa lên môi trường điện tử, giúp quá trình xử lý công việc diễn ra nhanh chóng. Quản trị công vụ tại đất võ Bình Định đang được số hoá mạnh mẽ.
Sức mạnh của chuyển đổi số
Tủ đựng tài liệu trong phòng làm việc của Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, ông Trần Văn Phúc đang trống một nửa. Thay vì hình ảnh của những chồng văn bản cứng xếp kín không gian tủ trước đây, thì tài liệu của Sở nay được số hoá, đưa lên hệ thống quản trị nội bộ. Những tờ giấy A4 đóng dấu mộc đỏ ít xuất hiện dần.
Ông Phúc cũng không có cả máy tính để bàn. Trong cặp táp của mình, vị Giám đốc Sở luôn mang theo chiếc iPad màu xanh quen thuộc. Ông giải quyết mọi công việc hàng ngày trên iPad hay smartphone. Do vậy, quá trình phê duyệt văn bản có tính chủ động cao.
Tại Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, lãnh đạo đơn vị, phòng ban, chuyên viên đều được cấp các tài khoản xử lý văn bản 100% trên môi trường điện tử. Hầu như văn bản giấy không còn được sử dụng.
Việc thao tác trên hệ thống như vậy giúp Sở giảm chi phí quản trị. Hơn thế, quá trình giải quyết công việc diễn ra nhanh chóng, theo ông Phúc.
Sở NN&PTNT có từ 150-200 văn bản đến và đi trong một ngày, các văn bản đó sẽ được chuyển tiếp trên hệ thống tới chính xác từng phòng, ban để bộ phận có trách nhiệm xử lý theo đúng thời hạn yêu cầu.
"Nếu cứ áp dụng phương thức cũ, bút phê ký chuyển văn bản giấy là không ổn. Chưa kể, các phó giám đốc phụ trách lĩnh vực không phải lúc nào cũng túc trực ở cơ quan. Nếu chờ họ, thời gian chết đợi xử lý văn bản là quá lâu.
Còn hiện nay, với chuyển đổi số, chỉ trong tích tắc, văn bản đã tới tay người chịu trách nhiệm giải quyết. Chúng tôi làm việc không chỉ giới hạn trong giờ hành chính”, lãnh đạo Sở chia sẻ về lợi ích từ chuyển đổi số.
Còn tại Cục thuế tỉnh Bình Định, quá trình điện tử hóa công tác quản trị nội bộ được thể hiện bằng hai ứng dụng cụ thể: “Thư viện điện tử” và “Công khai nội ngành”.
“Thư viện điện tử” là ứng dụng bổ sung, cập nhật thông tin liên quan đến quản lý thuế; nội dung chỉ đạo triển khai chuyển đổi số; có cả các clip hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ trên ứng dụng….
“Công khai nội ngành” là nơi tích hợp nội dung liên quan đến chế độ lương, thưởng, các trường hợp đủ điều kiện quy hoạch, danh sách công chức luân phiên, luân chuyển… Với tính “công khai” trên trong nội bộ ngành, công chức thuế địa phương được tiếp cận chủ trương, định hướng và hiểu biết toàn bộ công việc để yên tâm công tác, phát huy năng lực bản thân.
Ông Trần Hữu Danh - Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết, gần 600 công chức của Cục đã không còn sử dụng giấy tờ. Văn bản nội ngành được đưa lên hệ thống quản lý dữ liệu nội bộ trực tuyến.
Với cơ quan bên ngoài, Cục cũng không sử dụng không giấy tờ với tất cả các Sở, ngành trong tỉnh hay cấp thành phố/quận/huyện. Nội bộ Tổng cục Thuế cũng có hệ thống tax office, không giấy tờ. Văn bản cấp dưới trình lên cấp trên, ký duyệt hay luân chuẩn hồ sơ đều được đưa lên môi trường điện tử.
Bình Định tăng tốc, thực hiện chuyển đổi số hiệu quả
Câu chuyện từ 2 cơ quan Nhà nước của tỉnh Bình Định cho thấy phần nào bức tranh “sáng” trong nỗ lực chuyển đổi số tại quê hương đất Võ. Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp bộ, cấp tỉnh năm 2022, Bình Định có chỉ số DTI xếp hạng thứ 29 trên cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, địa phương cũng đã hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu, nền tảng số các hệ thống thông tin như: Phòng chống thiên tai; quản lý trường học; quản lý cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh…
Trước đó, tại Hội nghị chuyển đổi số diễn ra hồi tháng 5, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh khẳng định, để chuyển đổi số thực sự là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, người đứng đầu, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương phải nắm chắc các nội dung được triển khai, ứng dụng và sử dụng tốt hệ thống, các ứng dụng chuyển đổi số; buộc nhân viên cấp dưới phải cùng hành động, sử dụng hiệu quả; bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số hợp lý và hiệu quả.
Theo kế hoạch “Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với các con số rất cụ thể: -80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. -90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). -100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. |
Trần Chung - Xuân Quý
Ảnh: Xuân Quý