Dấu ấn Phố Hiến qua những Di tích Quốc gia đặc biệt: Nơi là văn miếu lâu đời thứ hai tại Việt Nam, nơi có di sản được Guinness công nhận
Đây đều là các danh thắng nằm trong cụm di tích Phố Hiến đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 31/12/2014.
Văn miếu Xích Đằng - biểu tượng của giáo dục Hưng Yên
Văn miếu Xích Đằng hay Văn miếu Hưng Yên, tọa lạc tại khu phố Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, là di tích tiêu biểu tôn vinh nền văn hiến và truyền thống học tập của người dân nơi đây. Văn miếu thờ Đức Thánh Khổng Tử (551-479 TCN) - người sáng lập Nho giáo, cùng vạn thế sư biểu Chu Văn An (1292-1370).
Khởi dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVII), Văn miếu được trùng tu lớn vào năm 1839 dưới triều Minh Mệnh. Công trình được xây trên nền chùa cổ Nguyệt Đường và là văn miếu lâu đời thứ hai tại Việt Nam chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội.
Hiện nay, Văn miếu có kiến trúc vững chắc với cổng Nghi môn hai tầng tám mái dẫn vào sân rộng. Hai bên sân là lầu chuông, lầu khánh (xây năm 1804), phía sau là tả vu và hữu vu trưng bày tài liệu giáo dục. Điểm nổi bật nhất là 9 bia đá khắc tên 161 vị đại khoa của Hưng Yên từ thời Trần đến Nguyễn, dựng năm 1888 và 1943, vinh danh các dòng họ tiêu biểu như họ Dương, họ Hoàng và họ Lê.
Hằng năm, Văn miếu tổ chức triển lãm thư pháp, hát ca trù, trao thưởng học sinh giỏi vào dịp Tết Nguyên đán, khích lệ tinh thần học tập và rèn luyện đạo đức.
Chùa Chuông - đệ nhất danh lam Phố Hiến
Chùa Chuông còn gọi là Kim Chung Tự, nằm tại phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên là một trong những danh lam cổ tích tiêu biểu của Phố Hiến, gắn liền với thời kỳ phồn thịnh của “tiểu Tràng An”. Tên gọi xuất phát từ truyền thuyết về quả chuông vàng được rước vào chùa, sau bị cất giấu để tránh mất cắp.
Trải qua thời gian, chùa Chuông nhiều lần được trùng tu nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc với kiến trúc "Nội công ngoại quốc liên hoàn" và "Tứ thủy quy đường". Các hạng mục như Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, hành lang, nhà Tổ và nhà Mẫu thể hiện vẻ đẹp hài hòa của kiến trúc thời Lê - Nguyễn.
Chùa lưu giữ nhiều cổ vật quý như chuông đồng, bia đá (1711), cây hương đá (1702), cùng hệ thống tượng Phật phong phú được chạm khắc tinh xảo, như Thập Bát La Hán, Thập Điện Diêm Vương, Tứ Trấn và Bát Bộ Kim Cương.
Năm 1992, chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đến năm 2014, chùa Chuông cùng 15 di tích khác trên địa bàn TP. Hưng Yên thuộc quần thể di tích Phố Hiến được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt.
Đền Mẫu - nơi lưu giữ tín ngưỡng của người địa phương
Đền Mẫu có tên chữ là Hoa Dương Linh Từ, là một thắng tích đẹp nằm bên hồ Bán Nguyệt, tại đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, TP. Hưng Yên. Ngôi đền thờ bà Dương Quý Phi triều Tống, người được nhân dân lập miếu thờ sau khi thi hài bà dạt vào vùng biển hạ lưu Đằng Giang trong cuộc loạn lạc thế kỷ XIII. Theo sử sách, vua Tống Đế Bính cùng hoàng gia đã tuẫn tiết khi triều đình Mạt Tống tan vỡ trước quân Nguyên - Mông. Ngôi miếu nhỏ thờ bà được xây dựng vào năm 1279, sau đó được tôn tạo nhiều lần.
Năm 1294, vua Trần Anh Tông trong chuyến chinh phạt Chiêm Thành đã dừng chân tại đây. Sau khi được Thánh Mẫu phù trợ trong giấc mộng và giành thắng lợi, nhà vua lệnh tôn tạo đền. Hiện nay, đền mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn (1896) với nhiều hạng mục như Nghi môn, Đại bái, Hậu cung... Các công trình làm bằng gỗ lim, chạm khắc hoa văn tinh xảo gồm tứ linh, tứ quý, hổ phù và chữ Thọ mang giá trị mỹ thuật cao.
Đền Mẫu còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá như bộ long sàng, cỗ kiệu bát cống, đôi lục bình men rạn thời Nguyễn và 15 đạo sắc phong từ thời Hậu Lê đến Nguyễn. Đặc biệt, trong sân đền là cụm cây đa, sanh, si cổ thụ hơn 800 năm tuổi, được coi là cây đa cổ nhất vùng châu thổ Bắc Bộ.
Hàng năm, lễ hội đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch với các nghi thức tế lễ, rước kiệu, múa rồng, chọi gà và nhiều trò chơi dân gian. Đây là dịp thu hút đông đảo nhân dân và du khách, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của Phố Hiến và thúc đẩy du lịch văn hóa tâm linh của Hưng Yên.
Đền Trần - bản sắc tín ngưỡng vùng ‘tiểu Tràng An’
Đền Trần nằm bên bờ hồ Bán Nguyệt thuộc phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên và là một danh thắng tiêu biểu trong quần thể di tích Phố Hiến được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014. Ngôi đền tôn thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng dân tộc và tướng trụ cột của triều Trần.
Tương truyền, đền được xây dựng tại vị trí đắc địa của Phố Hiến xưa là nơi hội tụ ba con sông gần cửa biển tạo nên điểm chiến lược cả về giao thông lẫn quân sự. Đây là địa điểm đóng quân của Trần Hưng Đạo trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, bảo vệ vùng Tức Mặc và làm bàn đạp phản công giải phóng Thăng Long.
Đền được khởi dựng vào nửa đầu thế kỷ XIV, sau khi Trần Quốc Tuấn qua đời và nhiều lần được trùng tu dưới triều Nguyễn. Kiến trúc hiện tại mang phong cách cuối thời Nguyễn, thế kỷ XIX, với tổng thể theo kiểu chữ Tam, gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Gian Hậu cung trung tâm thờ Đức Thánh Trần, phía sau là ngai và bài vị của gia đình ông cùng hai gia tướng Yết Kiêu, Dã Tượng.
Đền Trần còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị như hệ thống cửa võng, câu đối, ngai thờ, bia đá, cùng 15 đạo sắc phong thời Nguyễn. Đây là những di sản văn hóa quý giá, cung cấp tư liệu lịch sử và mỹ thuật quan trọng về Phố Hiến.
Hàng năm vào ngày 8/3 và 20/8 âm lịch, đền tổ chức lễ hội tưởng nhớ chiến thắng Bạch Đằng và ngày hóa của Đức Thánh Trần. Các hoạt động văn hóa dân gian phong phú trong lễ hội thu hút đông đảo người dân, tạo nên sự kiện giàu sắc thái tín ngưỡng và bản sắc cộng đồng vùng Phố Hiến.
Đình, chùa Hiến - niềm tự hào của nhân dân xứ nhãn
Đình, chùa Hiến nằm trên đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên, là một trong những di tích tiêu biểu của quần thể khu Di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Với lịch sử gắn liền từ thế kỷ XV, đình, chùa Hiến mang nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc và tâm linh đặc sắc.
Chùa Hiến tên chữ là Thiên Ứng tự được khởi dựng vào cuối thời Lý, đầu thời Trần và trùng tu lớn vào thời Nguyễn (1892). Chùa thờ Phật và Quan Âm Nam Hải, thể hiện ước mong hướng thiện và cầu bình an cho thuyền buôn. Kiến trúc chùa theo kiểu “Nội Công ngoại Quốc” gồm nhiều hạng mục như Tam quan, Tiền đường, Tam bảo và các công trình phụ trợ. Điểm nhấn là tượng Quan Âm Nam Hải 300 năm tuổi với chi tiết chạm khắc tinh xảo, hài hòa.
Trước sân chùa là cây nhãn Tổ gần 400 năm tuổi, từng được tiến vua, là niềm tự hào của Phố Hiến. Năm 1992, cây nhãn được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam.
Liền kề chùa là đình Hiến, nơi thờ quan Thái giám họ Du - người có công lập làng Hoa Dương, truyền dạy nghề canh nông và xây dựng thương cảng Phố Hiến. Đình được xây dựng từ sớm, trải qua nhiều lần trùng tu, hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh với 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu cung, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê.
Đình, chùa Hiến còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như tượng thờ, bát hương, câu đối và hai tấm bia đá từ năm 1625 và 1709, ghi lại lịch sử phát triển của thương cảng Phố Hiến – nơi từng được ca ngợi “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến.”
Hằng năm, lễ hội truyền thống diễn ra từ ngày 9-15 tháng 3 âm lịch và lễ giỗ Đức Đại Vương họ Du vào mồng 10 tháng Chạp, thu hút đông đảo khách thập phương. Đình, chùa Hiến không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn góp phần phát triển du lịch của Hưng Yên.