Dầu thô mất mốc 100 USD/thùng

26-04-2022 08:01|Hoàng Long

Giá dầu thế giới giảm mạnh, mất mốc 100 USD/thùng do lo ngại nhu cầu nhiên liệu giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, lạm phát gia tăng.

Sau khi giảm gần 5% vào tuần trước, giá dầu  thế giới ngày 25/4 tiếp tục đà giảm, mất mốc 100 USD/thùng.

Dữ liệu từ Oilprice cho biết giá dầu thô Brent giao tháng 6 được giao dịch ở mức 103,7 USD/thùng, giảm 2,95 USD, tương đương 2,77% so với ngày 24/4. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI giao tháng 5 được giao dịch ở mức 99,19 USD/thùng, giảm 2,88 USD, tương đương 2,82% so với ngày 24/4.

Theo giới phân tích, giá dầu thế giới quay đầu giảm do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu giảm sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo lạm phát gia tăng. 

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng gần 1 điểm % do căng thẳng Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt. IMF cho biết lạm phát đang là “mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng” với nhiều nước. 

Giá dầu giảm còn do chịu tác động từ đồng USD tăng lên, ở mức cao nhất trong hai năm qua. Đồng bạc xanh tăng giá làm cho hàng hóa được định giá bằng USD đắt đỏ hơn với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Điều này có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ.

Ngoài ra, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn trên thế giới - để kiềm chân Covid-19 cũng khiến giá dầu hạ nhiệt.

Nhu cầu tiêu thụ giảm, trong khi đó nguồn cung dầu lại được cải thiện khiến giá duy trì đà giảm đến hết phiên. Bên cạnh gần 300 triệu thùng dầu mà các nước tiêu thụ dầu lớn cam kết sẽ giải phóng từ các kho dự trữ chiến lược, xuất khẩu dầu của Nga có dấu hiệu khôi phục, bất chấp các khó khăn trong tuyến đường vận chuyển ban đầu. 

Giá dầu giảm ngay cả khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (còn gọi là OPEC+) hạ sản lượng dầu. OPEC+ đã sản xuất dưới mức mục tiêu 1,45 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 3/2022.

Trong khi đó, sản lượng dầu của Nga cũng bắt đầu giảm do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Hiện Nga sản xuất ít hơn 300.000 thùng/ngày so với mục tiêu, ở mức 10,018 triệu thùng/ngày.

Tại thị trường Việt Nam, trong kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 21/4), giá xăng đã tăng mạnh trở lại, với mức từ 663 - 675 đồng/lít, tuỳ loại. Theo đó, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 không quá 27.134 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 27.992 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu trong nước cũng được điều chỉnh tăng. Cụ thể, dầu diesel tăng 979 đồng/lít, giá bán không cao hơn 25.359 đồng/lít; dầu hỏa tăng 801 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.828 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 21.800 đồng/lít.

Các chuyên gia cho rằng, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm thì giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều chỉnh giá tới đây sẽ có cơ hội giảm.

Niềm vui ‘sớm nở tối tàn’ của cổ đông dầu khí

Tỉnh hút vốn FDI lớn nhất miền Trung, thu 13.000 tỷ đồng ngân sách trong Quý I/2024

Nhu cầu dầu của Trung Quốc suy yếu vì làn sóng xe điện

Bài thuộc chủ đề Dầu khí, Năng lượng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dau-tho-mat-moc-100-usdthung-133560.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Dầu thô mất mốc 100 USD/thùng
POWERED BY ONECMS & INTECH