10 hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới dự kiến giảm 16% đầu tư cho bán dẫn trong năm 2023, xuống còn 122 tỷ USD khi tình trạng dư thừa nguồn cung và lo ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc che mờ nhu cầu mở rộng công suất sản xuất.
Đây là lần đầu tiên đầu tư bán dẫn toàn cầu giảm kể từ năm tài chính 2019 và là mức giảm lớn nhất trong 10 năm qua.
Đầu tư vào chip bộ nhớ, chủ yếu được sử dụng cho điện thoại thông minh và máy tính cá nhân, sẽ giảm 44% trong năm tài chính này, trong khi đầu tư vào bộ vi xử lý sẽ giảm 14%.
Sáu công ty đang giảm đầu tư trong năm tài chính này bao gồm: Intel, GlobalFoundries, Micron Technology, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., SK Hynix, và liên doanh của Western Digital và Kioxia Holdings.
Sự sụt giảm này phần lớn do việc các quốc gia mở rộng công suất sản xuất nhanh chóng trong vài năm qua, thúc đẩy bởi căng thẳng công nghệ giữa Mỹ - Trung Quốc.
Hãng nghiên cứu Omdia của Anh cho biết, tính riêng năm tài chính 2022, 10 công ty dẫn hàng đầu đã đầu tư kỷ lục 146,1 tỷ USD. Tuy nhiên, “có lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như chip quy trình từ 10 đến 14 nanomet”. Bốn công ty khác trong top 10 còn có Samsung Electronics, UMC Electronics, Infineon Technologies và STMicroelectronics.
Tính đến cuối tháng 6/2023, số liệu của 9 công ty cho thấy hàng tồn kho đã tăng 10%, lên 88,9 tỷ USD, cao hơn 70% so với năm 2020, thời điểm trước khi diễn ra tình trạng thiếu hụt bán dẫn làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Micron có kế hoạch cắt giảm 30% sản lượng và 40% đầu tư vốn cho năm tài khoá kết thúc vào tháng 8/2024 do lo ngại về hàng tồn kho dư thừa. Trong khi đó, SK Hynix nâng mức cắt giảm sản lượng năm nay thêm 5% đến 10% và giảm hơn một nửa khoản đầu tư trong năm.
Kinh tế trì trệ ở Trung Quốc, thị trường lớn cho máy tính cá nhân, là một nguyên nhân dẫn đến các động thái này. Tháng 7/2023, CEO Intel Pat Gelsinger cho rằng thị trường Trung Quốc “đã không quay trở lại mạnh mẽ như mọi người mong đợi”.
Áp lực giảm giá, thiếu hụt nhân công
Viện Nghiên cứu Nhật Bản nhận định “việc cắt giảm sản lượng của các công ty là chưa đủ, dẫn đến áp lực giảm giá vẫn còn” và sự phục hồi về giá do nhu cầu tăng sẽ “đến vào năm sau”.
Không chỉ vậy, việc gấp rút xây dựng nhà máy bán dẫn trong những năm gần đây đã dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực có chuyên môn cần thiết. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, ước tính tình trạng thiếu kỹ sư bán dẫn, kỹ thuật viên và nhà khoa học máy tính trong ngành sẽ lên tới 67.000 việc làm vào năm 2030.
Thiếu hụt kỹ sư cũng là nguyên nhân khiến nhà máy mới của TSMC tại Arizona phải dời lịch hoạt động đến cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Nhà sản xuất bán dẫn Đài Loan dự kiến trong năm nay, vốn đầu tư sẽ giảm lần đầu tiên sau 5 năm.
Song, quan điểm của thị trường rằng nhu cầu bán dẫn sẽ tiếp tục tăng trong trung và dài hạn là không thay đổi. McKinsey cho biết, thị trường toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tăng khoảng 70% so với khoảng 600 tỷ đô la năm 2021.
Theo Omdia, các ứng dụng ô tô hiện chỉ chiếm khoảng 10% nhu cầu bán dẫn của thế giới. Nhưng việc sử dụng chip điều khiển các chức năng của xe và chất bán dẫn điện sẽ tăng lên đáng kể cùng với sự phổ biến của xe điện.
Thị trường bán dẫn ô tô dự kiến sẽ đạt 83 tỷ USD vào năm 2025, tăng 50% so với năm 2022.
(Theo Nikkei Asia)