Đầu tư cho 6G hôm nay mới có hy vọng thành công trong 10 năm tới

15-08-2023 14:40|Thái Khang

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chia sẻ rằng, việc bắt tay nghiên cứu 6G hôm nay là đặt những viên gạch để hy vọng thành công trong 10 năm tới. Nếu chúng ta không làm vậy sẽ không có gì cả.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, hiện thế giới có 5 nhà sản xuất thiết bị 5G và nhiều cường quốc đang bắt tay nghiên cứu 6G. 

Mới đây, Bộ TT&TT tổ chức buổi họp với các đơn vị và các nhà mạng để bàn việc nghiên cứu 6G. 

Tại buổi làm việc này, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ TT&TT) cho biết, Vụ đã chuẩn bị sẵn sàng cho 6G như việc tiến hành xây dựng các tiêu chuẩn cho 6G. Hiện đã có các trường đại học và viện nghiên cứu bắt tay nghiên cứu về 6G. 

Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, Việt Nam là nước thứ 5 sản xuất thiết bị 5G. Để nghiên cứu công nghệ mới như 6G, các quốc gia đã đầu tư rất lớn và phải tiến hành ngay mới có thể phát triển được công nghệ này. 

Cũng tại buổi họp, đại diện Viettel cho hay, doanh nghiệp này đã bắt tay nghiên cứu sản xuất thiết bị 6G và tham gia các bằng sáng chế về 6G. Khác với Viettel, VNPT sẽ tập trung vào nghiên cứu hệ sinh thái 6G. Đại diện MobiFone cũng khẳng định đã tham gia các nhóm nghiên cứu về 6G. 

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, hiện thế giới có 5 nhà sản xuất thiết bị 5G và nhiều cường quốc trên thế giới đang bắt tay nghiên cứu 6G. Việt Nam đặt ra mục tiêu đi cùng thế giới về 6G, cụ thể là cùng nghiên cứu, cùng sản xuất, cùng triển khai.

Thứ trưởng phân tích tiếp: Các công ty công nghệ lớn trên thế giới thập niên trước, như Nokia và các hãng điện thoại của Nhật, đã từng "làm mưa làm gió" trên thị trường. Thế nhưng, những tên tuổi này giờ đã vắng bóng. Trung Quốc hiện đang cạnh tranh vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ, điều mà 15 - 20 năm trước không ai nghĩ đến. Các quốc gia và các tập đoàn lớn trên thế giới đang đầu tư rất mạnh cho công nghệ để duy trì vị thế dẫn đầu thế giới. Tại Việt Nam, 10 năm trước  không nghĩ đến sẽ làm được hệ thống tính cước mà phải mua của các hãng sản xuất thiết bị viễn thông. Thế nhưng, thực tế đã làm được hệ thống này và đưa ra cả thị trường nước ngoài. 

Với open RAN (sự thay đổi kiến trúc mạng di động cho phép các mạng được tích hợp với nhau sử dụng các phần tử mạng từ nhiều nhà sản xuất khác nhau), sẽ có cơ hội cho Việt Nam sản xuất thiết bị 6G, để đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 và nhà sản xuất thiết bị viễn thông thứ 6 sản xuất thiết bị 6G.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ nghiên cứu, đóng góp vào tiêu chuẩn 6G của thế giới. Bộ TT&TT và các doanh nghiệp cùng tham gia nghiên cứu, thúc đẩy phát triển công nghệ này. Nhà nước sẽ đầu tư phòng lab cho các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thiết bị 6G. Bởi nếu không có phòng lab sẽ khó có thể nghiên cứu được 6G. Ngoài việc hợp tác trong nước với các chuyên gia, các trường, viện nghiên cứu về 6G, Việt Nam sẽ mời các chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu về 6G”.

“Cơ hội đến với tất cả các quốc gia, nhưng quốc gia nào nắm bắt được sẽ thành công. Hôm nay, chúng ta đặt những viên gạch này thì 10 năm nữa hy vọng mới thành công. Còn nếu không có ngày hôm nay thì 10 năm nữa chúng ta sẽ không có gì. Nếu chúng ta nghiên cứu và sản xuất được thiết bị 6G sẽ tạo ra ngành công nghiệp mới cho đất nước”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói tiếp.

Báo cáo của Bộ TT&TT từ cuối năm 2022 đã đưa ra kế hoạch xây dựng và tổ chức thực hiện việc nghiên cứu về tiêu chuẩn hóa 6G giai đoạn 2023 – 2025.

Trước đó, Bộ TT&TT đã công bố Việt Nam sẽ chính thức triển khai 6G và là 1 trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có Ban chỉ đạo 6G. Việt Nam phải đi cùng top đầu thế giới về công nghệ 6G. Tần số sẽ được Bộ TT&TT cấp phép có thể vào năm 2028, trước khi thương mại hóa 6G.

Mạng 6G hay mạng di động thế hệ thứ 6 là công nghệ tiếp bước mạng 5G. 6G được kỳ vọng sẽ hỗ trợ băng tần rộng hơn, giúp tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn 5G nhiều lần. Đồng thời, mạng 6G cũng có độ phủ sóng rộng và tối ưu hơn, đáp ứng mọi yếu tố mà 5G chưa thực hiện được.

Hiện nay, mạng 6G vẫn đang được nghiên cứu. Dự đoán sẽ được công bố ít nhất vào năm 2028 hoặc 2030. Đây là điều dễ hiểu khi mạng 5G hiện nay vẫn chưa được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia.

Về lý thuyết, mạng 6G cũng giống như mạng 5G, nhưng mọi tiêu chuẩn sẽ tốt hơn đáng kể. Các yếu tố có thể kể đến như tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn, khối lượng băng thông rộng hơn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, mạng 6G sẽ vượt xa cả tốc độ của mạng dây. Tốc độ nhanh hơn và độ trễ thấp hơn sẽ giúp kết nối giữa các thiết bị được thực hiện gần như ngay lập tức.

Đối với cả Chính phủ và các doanh nghiệp, công nghệ không dây di động thế hệ thứ 6 là một "miếng bánh" tiềm năng rất lớn. Bất kỳ ai nắm được công nghệ và đăng ký bằng sáng chế liên quan công nghệ này sẽ là người chiến thắng trong cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dau-tu-cho-6g-hom-nay-moi-co-hy-vong-thanh-cong-trong-10-nam-toi-2177696.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đầu tư cho 6G hôm nay mới có hy vọng thành công trong 10 năm tới
    POWERED BY ONECMS & INTECH