Khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip là thay đổi lớn trong cải cách hành chính đối với lĩnh vực y tế.
Theo thông tin của Báo Đà Nẵng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND thành phố, thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn đã chủ động triển khai thực hiện kế hoạch này, mang lại tiện ích cho người dân, giảm thiểu các thủ tục không cần thiết.
Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: MỸ VÂN |
Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn đang là “điểm sáng” về việc cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh. Trong đó, việc khám, chữa bệnh bằng CCCD là hoạt động được triển khai trong 2 năm qua.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, đây là hoạt động nằm trong kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế nên đơn vị chủ động triển khai. “Chúng tôi cập nhật phần mềm, trang bị, bổ sung thêm 4 máy đầu đọc QR-code, đồng thời bố trí nhân viên chủ động giới thiệu, hướng dẫn cho người dân khi đến khám, chữa bệnh. Việc này tạo ra nhiều thuận lợi cho chính bệnh nhân, không phải mang thêm giấy tờ hay thẻ BHYT. Còn về phía bệnh viện cũng giảm được công đoạn kiểm tra, đối chiếu giấy tờ, thẻ BHYT”, bác sĩ Hưng cho biết.
Tương tự, tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận khám, điều trị từ 800 - 1.000 bệnh nhân. Ngay khu vực sảnh tiếp đón bệnh nhân, các nhân viên y tế tổ chức hướng dẫn người bệnh vào đúng khu vực, giới thiệu về tiện ích của khám bệnh bằng CCCD. Ông Ngô Văn Khải (65 tuổi, trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) đến khám bệnh BHYT định kỳ được nhân viên trực tiếp hướng dẫn, sử dụng thẻ CCCD để thực hiện các quy trình.
“Trước đây, khi vào khám, chữa bệnh tôi phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Từ khi áp dụng dùng thẻ CCCD vào khám, chữa bệnh BHYT, tôi thấy tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục. Bản thân mình cũng thấy nhanh chóng, thuận tiện mà nhân viên y tế cũng đỡ vất vả”, ông Khải chia sẻ.
Theo bác sĩ Ngô Văn Đình Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT thông thường ngoài mất thời gian, thủ tục thì cũng gặp một số khó khăn như một số trường hợp thông tin không khớp giữa bảo hiểm và giấy tờ tùy thân. Số khác có thể hỏng hoặc mất thẻ bảo hiểm khiến việc đăng ký khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT gặp khó khăn.
“Tuy nhiên, thời gian thực hiện chưa lâu, nhiều bệnh nhân chưa biết đến việc có thể dùng CCCD gắn chip để thay thế BHYT và các giấy tờ khác trong đăng ký khám bệnh. Số lượng người dân dùng CCCD gắn chip để thay BHYT trong khám, chữa bệnh còn chưa nhiều. Vậy nên, chúng tôi cũng triển khai hướng dẫn, tuyên truyền ngay khu vực tiếp nhận. Khi thực hiện thủ tục khám bệnh, nhập viện, nhân viên y tế cũng sẽ thông tin tới người dân thông tin này”, bác sĩ Hoài cho biết.
Là đơn vị tiên phong trong khám, chữa bệnh bằng CCCD thay thẻ BHYT, hiện Bệnh viện Đà Nẵng đang áp dụng hình thức này cho phần lớn bệnh nhân đến khám bệnh, điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, người dân hoàn toàn đồng tình, ủng hộ chủ trương này vì nó nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, không rườm rà thủ tục, giấy tờ.
“Nhân viên y tế của bệnh viện khi làm thủ tục liên quan đều mặc định việc sử dụng CCCD thay BHYT. Những trường hợp chưa tích hợp thông tin BHYT lên CCCD hoặc người dân chưa hiểu thì sẽ được các nhân viên hướng dẫn, giải thích. Kết quả là có rất nhiều trường hợp đã thay đổi thói quen khi đến khám, điều trị lần thứ 2, thứ 3”, bác sĩ Trung cho biết.
Khám bệnh, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip mang lại tiện ích cho người bệnh lẫn cơ sở y tế. Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà. Ảnh: P.C |
Theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế, Bộ Y tế đã có hướng dẫn triển khai tiếp đón, tổ chức khám, chữa bệnh cho người bệnh có CCCD gắn chip tích hợp mã thẻ BHYT. Theo đó, cơ sở khám, chữa bệnh thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD.
Đối với người bệnh đã được cấp CCCD gắn chip thì cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành; đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi khám, chữa bệnh BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chip. “Trong trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT, nhân viên y tế có trách nhiệm giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được, đồng thời thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành”, bác sĩ Trình cho biết.
Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố (BHXH) Phạm Quốc Khánh, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
Một trong những mục tiêu cụ thể là bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNeID), trong đó tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như thẻ BHYT.
“Thời gian vừa qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm việc tra cứu thông tin về BHYT qua thẻ CCCD gắn chip. Nhiều người dân đã được tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế trong dữ liệu về CCCD. Để nâng cao tỷ lệ sử dụng CCCD trong hoạt động khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế cần tổ chức hướng dẫn, thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám, chữa bệnh, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm thiểu thủ tục, chờ đợi, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, ông Khánh cho biết.
PHAN CHUNG
Hơn 4,5 tỷ USD vốn FDI 'chảy' về thành phố đáng sống nhất Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Văn hóa: Vé 'Anh trai vượt ngàn chông gai' 8 triệu mua không được