Thủ tướng chỉ đạo TP. Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ quan trọng tại khu vực 31.000ha được UNESCO công nhận
Quyết định này nhằm phát huy giá trị di tích, đưa nơi đây trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn, kết nối với các di tích, danh lam khác.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định, phạm vi nghiên cứu quy hoạch sẽ bao phủ diện tích gần 31.000ha. Khu vực này không chỉ bao gồm toàn bộ diện tích khoanh vùng bảo vệ Khu đền tháp Mỹ Sơn, mà còn mở rộng đến các di tích liên quan như Trà Kiệu, Bằng An, lưu vực sông Thu Bồn, cùng các di chỉ khảo cổ học và phế tích Champa khác.

Quy mô quy hoạch chi tiết tập trung vào toàn bộ 1.158ha thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II của Di tích Quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đối tượng nghiên cứu gồm hệ thống đền tháp, phế tích, dấu tích kiến trúc - khảo cổ học, cảnh quan núi rừng, khe suối, cùng các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, phong tục tập quán và truyền thuyết dân gian.
Mục tiêu của quy hoạch là bảo quản, tu bổ, phục hồi các giá trị đặc biệt của di tích Mỹ Sơn; đồng thời bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và di sản văn hóa cộng đồng trong khu vực.
Kế hoạch cũng nhằm phát huy giá trị di tích, đưa Mỹ Sơn trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn, kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh khác, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo quyết định, việc lập quy hoạch phải xác định rõ yêu cầu nghiên cứu, khảo sát và đánh giá hiện trạng di tích, cũng như các yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên có liên quan. Thời gian thực hiện không quá 24 tháng, không bao gồm thời gian thẩm định, phê duyệt dự toán, đấu thầu và các thủ tục hành chính khác.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Nam (nay là UBND TP. Đà Nẵng) chịu trách nhiệm chủ trì. Đơn vị này sẽ bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí, phân công cơ quan chủ đầu tư và lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch theo đúng quy định pháp luật.
UBND TP. Đà Nẵng cũng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan để tổ chức lập và trình duyệt đồ án quy hoạch theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.
Khu đền tháp sánh ngang với Angkor, Bagan
Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng khép kín, nơi các công trình đền tháp vươn lên như những “ngọn lửa thiêng” giữa các ngọn đồi thấp. Từng bị lãng quên suốt nhiều thế kỷ, mãi đến năm 1885 khu di tích mới được người Pháp tình cờ phát hiện.
Đền tháp Mỹ Sơn tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo Chămpa. Với lịch sử xây dựng và phát triển liên tục trong hơn 9 thế kỷ (từ thế kỷ IV đến XIII), quần thể này sở hữu nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, nhưng phần lớn đều có thiết kế vươn cao, tượng trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết của ngọn núi thiêng Mêru trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo.
Hầu hết đền tháp và công trình phụ trợ được xây bằng gạch với kỹ thuật tinh xảo. Các mô típ hoa văn trang trí trên trụ đá, tượng tròn và phù điêu sa thạch được chạm khắc theo các thần thoại Ấn Độ giáo, kết hợp hài hòa với những mảng tường gạch chạm trổ tinh vi, tạo nên vẻ đẹp sinh động, mỹ miều mang đậm dấu ấn nghệ thuật Chămpa.
Khu đền tháp Mỹ Sơn được đánh giá ngang tầm về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật với các quần thể đền tháp nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Angkor (Campuchia), Bagan (Myanmar), Borobudur (Indonesia), Ayutthaya (Thái Lan).
Chính vì vậy, ngày 4/12/1999, Khu đền tháp Mỹ Sơn chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa thế giới với tư cách là “điển hình về sự trao đổi văn hóa” và là “bằng chứng độc nhất của một nền văn minh châu Á đã biến mất”.