Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Không có đột phá, khó khả thi

29-06-2023 15:24|Diệu HOa

Câu chuyện chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội và Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn không ngừng làm nóng các diễn đàn và cả nghị trường Quốc hội.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại lời giải cho bài toán này vẫn đang trong quá trình luận bàn.

bn-sao-ban-sao-img_5184-2-enternews-1662698342.jpg
 Để giải quyết câu chuyện nhà ở xã hội cần phải chia sẻ lợi ích ba bên, trong đó có nhà nước, doanh nghiệp và người dân. ẢNH: LV

Trong một chia sẻ mới đây, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế đã đặt vấn đề rằng: "Tại Hàn Quốc chỉ 2 năm triển khai họ đã đạt chỉ tiêu 5 triệu căn hộ nhà ở xã hội, chúng ta đặt mục tiêu 1 triệu căn hộ, nhưng 10 năm triển khai vẫn chưa xong".

Nhận diện đúng nhà ở xã hội

Theo TS Cấn Văn Lực, điểm nhấn của vấn đề triển khai đầu tư nhà ở xã hội là chính sách, quỹ đất, nguồn vốn. Thực trạng đáng buồn là quy trình thủ tục khó khăn, phức tạp hơn so với nhà ở thương mại thông thường mất  3- 5 năm mới xin xong thủ tục giấy phép. Trong khi đó về quy hoạch và quỹ đất lại tồn tại tình trạng "nơi thiếu, chỗ thừa".  

Về nguồn vốn tài trợ bền vững cho phân khúc này, theo ông Lực, đa số các dự án nhà ở xã hội tính đến thời điểm hiện nay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn công, một số dự án do tư nhân thực hiện. Các dự án nhà ở xã hội rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân sách do được bố trí cho các dự án nhà ở xã hội là rất ít, điều kiện – thủ tục phức tạp, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội còn ít.

Trong khi đó, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia phân tích tài chính, Học viện Tài chính cũng khẳng định với những cách làm hiện nay, xây dựng nhà ở xã hội sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Theo ông Cường, để giải quyết câu chuyện nhà ở xã hội, cần phải chia sẻ lợi ích, tham gia sâu của ba bên, trong đó có nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo vị chuyên gia, với vai trò nhà nước, hiện chúng ta mới chỉ làm một thứ là miễn giảm thuế đất, còn chúng ta chưa miễn giảm thuế và phí. 

"Với doanh nghiệp, chúng ta đừng kỳ vọng ngân hàng thương mại họ làm tốt, bởi không ai trông vào lợi nhuận khi làm nhà ở xã hội. Nếu không có lợi ích kèm theo khác, doanh nghiệp khó làm, bản thân doanh nghiệp làm nhà ở xã hội không phải là làm kiểu từ thiện, nếu họ làm thì cũng cần có chính sách thuế khác khuyến khích, chứ không phải chính sách chung chung như hiện nay" - ông Cường nói. 

167a5716-2-enternews-1624295184.jpg
Các dự án nhà ở xã hội rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân sách. ẢNH: LV

Ông Cường lấy ví dụ: "Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cần có mặt bằng đất sạch, địa phương cần giao đất sạch cho họ. Rồi tiếp sau là miễn giảm các loại thuế, phí liên quan...".

Xây dựng lại đối tượng được mua nhà ở xã hội

Cũng theo ông Cường, đối với người dân, lâu nay chúng ta đang hiểu nhà ở xã hội đang quá đơn giản, là nhà ở xã hội chỉ dành cho người thu nhập thấp, thế nhưng thực tế thì nhóm đối tượng người thu nhập trung bình cũng cần có nhà ở. 

"Vậy chúng ta cần thiết phải quy định nhóm nào được tham gia mua nhà ở xã hội để phổ cập thêm phạm vi, khách hàng, nhằm hỗ trợ người dân", ông Cường phân tích.

Ông Cường cho rằng, không có chính sách phân biệt ưu đãi khiến hạn chế về phạm vi khiến nhà ở xã hội đang đi vào đường hẹp. "Chúng ta cần có chính sách, người có mức thu nhập từ trung bình, khi mua nhà ở sẽ được hưởng ưu đãi thấp hơn. Người có mức thu nhập thấp, khi mua nhà ở sẽ được hưởng ưu đãi cao hơn và người ưu tiên đặc biệt sẽ được hưởng mức ưu đãi đặc biệt, trong đó có lãi suất và thời gian vay", ông Cường nói.

Theo ông Cường, thực tiễn người có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân 11 triệu đồng/tháng quy định là không được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quyền sở hữu nhà ở được hiến định, tại sao chúng ta ngăn chặn việc họ phải đóng thuế thu nhập, không được mua nhà ở xã hội khi họ có nhu cầu và mức thu nhập chịu thuế hiện rất thấp.

Để phát triển mạnh mẽ phân khúc nhà ở xã hội như thời điểm 2010-2016, theo vị chuyên gia, nhà nước cần tham gia hỗ trợ bằng chính sách, thuế, phí chứ không chỉ có hỗ trợ bằng 2-3% lãi suất.

"Chúng ta cần Nghị quyết trung ương về vấn đề nhà ở, vì nhiều năm chưa giải quyết được nhà ở. Nếu cứ những khó khăn như hiện nay, mục tiêu 2030 có 1 triệu căn nhà là gần như bất khả thi. Nếu chúng ta chia sẻ lợi ích ba bên nhà nước, doanh nghiệp, người dân thì mới giải quyết được, còn vẫn chỉ lợi ích chủ quan nhà nước và thị trường thì cực kỳ khó giải quyết", ông Cường nói.

TPHCM làm gì để xây được 93.000 căn nhà ở xã hội?

Bình Định kiên quyết thu hồi dự án chậm trễ

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/de-an-1-trieu-can-nha-o-xa-hoi-khong-co-dot-pha-kho-kha-thi-246577.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Không có đột phá, khó khả thi
    POWERED BY ONECMS & INTECH