Dè dặt kế hoạch kinh doanh nhóm doanh nghiệp điện

26-04-2022 15:16|Anh Tú T/H

Dù kỳ vọng lượng tiêu thụ điện trong năm 2022 tăng song nhiều doanh nghiệp ngành điện vẫn đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng.

Hồi trung tuần tháng 4/2022, SSI Research vừa có báo cáo cập nhật về triển vọng ngành điện khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Nhóm phân tích nhấn mạnh, giá trung bình trên thị trường phát điện cạnh tranh (giá CGM) đã tăng +37% so với cùng kỳ trong quý I/2022 và qua đó có thể giúp lợi nhuận các nhà máy nhiệt điện (thuộc NT2, POW, HND) tránh khỏi tăng trưởng âm.

Tiêu thu điện toàn quốc quý I/2022 đạt 63 tỷ kwh - tăng +7,8% so với cùng kỳ. Với việc nền kinh tế mở cửa trở lại, SSI ước tính tiêu thụ điện năm 2022 hồi phục và tăng +9,2% so với cùng kỳ.

Rủi ro khi giá cả nhiên liệu đầu vào tiếp tục tăng. Nếu giá nhiên liệu đầu vào (bao gồm dầu khí và than nhiệt) tiếp tục tăng và duy trì mức cao có thể khiến lạm phát tăng trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể suy yếu qua đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và tăng trưởng GDP của Việt Nam (từ 6,8 - 7,2% còn khoảng 5 - 6%) và tiêu thụ điện (từ 9,2% còn 7%).

Khuyến nghị 4 cổ phiếu ngành điện hậu mở cửa nền kinh tế

Dù kỳ vọng là vậy song trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp ngành điện vẫn đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) đặt kế hoạch năm nay có doanh thu 24,242 tỷ đồng và lãi sau thuế 743 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 64% so với năm 2021.

Nhận định cho năm 2022, POW dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, dư chấn của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng đến các nhà máy điện hiện có của POW.

Thứ hai, về nguồn nhiên liệu khí cho sản xuất điện, các nhà máy của POW phải sử dụng nguồn khí bổ sung giá cao, ảnh hưởng lớn tới khả năng cạnh tranh trên thị trường điện. Thứ ba, nhiều nhà máy sẽ ngừng máy để sửa chữa lớn như: Cà Mau 1 và 2, Đakđrinh đại tu; Nhơn Trạch 1 trung tu; Vũng Áng 1 đại tu và khắc phục sự cố của tổ máy số 1.

Ngoài ra, công tác thu xếp vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư các dự án của POW cũng dự báo gặp áp lực rất lớn trong bối cảnh phải tự vay - tự trả, không được hỗ trợ bảo lãnh vay vốn nước ngoài của Chính phủ và của Tập đoàn EVN.

Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2022 diễn ra ngày 19/04, Ban lãnh đạo POW cho biết kế hoạch trên chưa tính đến phần lợi nhuận nếu thoái vốn tại Công ty Điện Việt Lào và EVN Quốc tế, cũng như số tiền bảo hiểm sự cố Vũng Áng 1 vào cuối năm 2021.

Công ty con của POW là Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) cũng dự báo chưa khởi sắc. Trong năm nay, NT2 lên kế hoạch sản lượng điện đạt 4.3 tỷ kWh - tăng 35% so với năm 2021. Theo đó, tổng doanh thu kỳ vọng đạt gần 8.129 tỷ đồng - tăng 32%.

Tuy nhiên, NT2 dự kiến lợi nhuận sau thuế sẽ giảm 12% so với năm 2021, xuống còn 468 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất mà NT2 đạt được trong 9 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, NT2 tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ cổ tức 15%.

Tương tự NT2, POW, một số doanh nghiệp điện khác cũng đặt mục tiêu đi lùi trong năm nay như QTP, DRL, KHP hay TTA.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của một số doanh nghiệp điện

lii.png

Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 26% còn 459 tỷ đồng. Đại diện nhóm điện than dự báo năm 2022 tiếp tục còn nhiều khó khăn: Dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp; dự báo sự tăng trưởng của các khối nguồn, nhất là nguồn năng lượng tái tạo,… Đặc biệt, suất hao nhiệt vẫn ở mức cao trong khi xuất hiện thêm yếu tố than pha trộn nhập khẩu trong năm 2022 có giá cao.

Với Thủy điện - Điện Lực 3 (HOSE: DRL) nhận định tình hình thời tiết năm 2022 tại Tây Nguyên rất khó dự đoán, dự báo sản lượng mưa trong khu vực vẫn thấp như các năm trước; chế độ vận hành phụ thuộc hoàn toàn vào thủy điện bậc trên. Trong khi đó, diễn biến dịch COVID-19 vẫn rất khó lường, gây bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

DRL dự kiến sản lượng sụt giảm 9%, theo đó doanh thu giảm 6%, còn 93 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 19% về 46 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 45% thấp hơn mức 55,5% của năm 2021.

Ở chiều tích cực, vẫn có những doanh nghiệp điện đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số như: IDC, DTK và VSH.

Tổng Công ty IDICO (HNX: IDC) dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 88%. Cụ thể, IDC kỳ vọng tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt lần lượt 7.971 tỷ đồng và 2.765 tỷ đồng - tăng 38% và 88% so với kết quả của năm 2021. Đối với phần lợi nhuận của năm 2022, Công ty dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 40%.

Trong hoạt động đầu tư, IDC lên kế hoạch đầu tư 2,673 tỷ đồng trong năm 2022 trong đó tập trung chủ yếu ở Khu công nghiệp Hựu Thành (1,166 tỷ đồng) tại tỉnh Long An và Khu công nghiệp Cầu Nghìn (429 tỷ đồng) tại tỉnh Thái Bình. Xa hơn, IDC đề ra mục tiêu 5 năm (2022 - 2026) với mức tăng trưởng mỗi năm dao động trong khoảng từ 15 - 30%.

Trong năm thứ 2 sau khi niêm yết lên sàn chứng khoán, ông lớn Tổng Công ty Điện lực TKV (HNX: DTK) đặt mục tiêu tăng trưởng 31%, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 989 tỷ đồng. DTK định hướng tăng kiểm soát chi phí nhằm tối đa hóa lợi nhuận trong sản xuất điện; bám sát thị trường, chào giá hợp lý, phát huy tối đa công suất khi thị trường có nhu cầu.

Về công tác thuê ngoài, DTK sẽ quản lý chặt việc lập dự toán, lựa chọn nhà thầu để đảm bảo chất lượng công việc đi đôi với tiết giảm chi phí; rà soát lại toàn bộ công tác thuê ngoài tại đơn vị theo đúng kế hoạch; những việc các đơn vị có khả năng tự thực hiện thì không thuê ngoài nhằm nâng cao năng lực nội tại và tiết kiệm chi phí; kiểm soát chặt chẽ chất lượng than đầu vào các nhà máy, phối hợp với các bên giao than đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất. DTK chủ trương không nhận than không đảm bảo chất lượng.

Một đại diện ngành điện khác cũng đặt mục tiêu lợi nhuận đi lên là Điện Gia Lai (HOSE: GEG). Với việc đang hoàn thiện thi công và đóng điện các dự án hiện nay, GEG dự kiến doanh thu năm 2022 là 2.073 tỷ đồng - tăng 50% so với năm 2021. Kế hoạch lãi trước thuế 400 tỷ đồng - tăng 8%; dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 6% bằng cổ phiếu để tập trung nguồn lực.

Quý I/2022 thời tiết thuận lợi cho cả 3 lĩnh vực hoạt động của GEG, các dự án diện gió mới đưa vào vận hành thương mại mang lại hiệu quả cao, sau đó là thủy điện và điện mặt trời. Ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1/2022 của GEG đạt gần 190 tỷ đồng, hoàn thành 48% kế hoạch năm.

Doanh nghiệp thủy điện thắng lớn quý I/2022

Toàn cảnh lợi nhuận quý I/2024: Ngân hàng, bán lẻ, du lịch, xây dựng thăng hoa, riêng bất động sản giảm gần 62%

SSI Research dự báo lợi nhuận Tập đoàn Hoa Sen (HSG) sẽ tăng 25 lần trong năm 2024

SSI Research: Hòa Phát (HPG) có thể lãi sau thuế hơn 11.000 tỷ đồng năm 2024

Bài thuộc chủ đề Dầu khí, Năng lượng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-dat-ke-hoach-kinh-doanh-nhom-doanh-nghiep-dien-118127.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Dè dặt kế hoạch kinh doanh nhóm doanh nghiệp điện
POWERED BY ONECMS & INTECH