Xã hội

Đề xuất 2 nhóm đối tượng không được nhận trợ cấp thất nghiệp

Linh Chi 29/08/2024 14:47

Tuy nhiên, đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đề xuất bổ sung 2 nhóm đối tượng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định hiện hành, người lao động không được nhận trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp như: đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng...

Trong lần sửa đổi này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi theo hướng: người lao động không được nhận trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức.

Ngoài ra, người lao động bị sa thải theo pháp luật lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật viên chức, cũng như người lao động đang hưởng lương hưu hoặc đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa bắt đầu nhận lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, cũng không được nhận trợ cấp thất nghiệp.

So với quy định hiện hành, dự thảo lần này đã bổ sung hai đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bao gồm: người lao động bị sa thải theo pháp luật lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật viên chức; và người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa nhận lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Dự kiến 2 nhóm không được nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Internet

Dự kiến 2 nhóm không được nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Internet

Nhiều ý kiến cho rằng, trong thực tế, không ít doanh nghiệp sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng. Họ thường áp đặt các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc không thể thực hiện được, ban hành các nội quy trừ lương, thưởng và các khoản thu nhập khác nếu không đạt hiệu quả hoặc phạt vì các lỗi nhỏ trong quá trình làm việc, từ đó ép người lao động phải nghỉ việc. Điều này làm cho đề xuất mới gặp phải nhiều phản đối vì có thể khiến người lao động gặp khó khăn.

Theo thống kê từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2024, ngành đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) giải quyết 116.567 hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong đó, có 114.594 người được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 1.974 người nhận chế độ hỗ trợ học nghề.

Trước những ý kiến này, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết rằng việc tổng kết Luật Việc làm đã chỉ ra một trong những hạn chế của pháp luật hiện hành là việc không loại trừ các trường hợp bị sa thải hoặc xử lý kỷ luật nhưng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều này không đúng với bản chất của bảo hiểm thất nghiệp, vốn là để hỗ trợ những người không may mất việc làm.

Dự luật sửa đổi nhằm phân biệt rõ lý do chấm dứt hợp đồng lao động, loại trừ các trường hợp người lao động bị sa thải do vi phạm pháp luật hoặc các quy định của công ty như phá hoại tài sản, tự ý bỏ việc, nhằm đảm bảo trợ cấp thất nghiệp thực sự hỗ trợ những người gặp rủi ro về việc làm.

>>Đề xuất cho phép người lao động đóng khoản bị nợ bảo hiểm thất nghiệp để hưởng chế độ

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng cao kỷ lục, nở rộ nạn lừa đảo việc làm

Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/de-xuat-2-nhom-doi-tuong-khong-duoc-nhan-tro-cap-that-nghiep-d131761.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đề xuất 2 nhóm đối tượng không được nhận trợ cấp thất nghiệp
POWERED BY ONECMS & INTECH