Vĩ mô

Đề xuất Hà Nội áp dụng cơ chế miễn trách nhiệm khi thử nghiệm công nghệ mới

Thu Hằng 26/03/2024 - 12:46

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định, tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới được miễn trách nhiệm pháp lý khi đã thực hiện đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát.

Sáng 26/3, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 thảo luận dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm thảo luận quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Điều 25.

Thử nghiệm phải có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả cao về kinh tế - xã hội

Theo dự thảo luật, thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Lĩnh vực công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới được đề xuất thử nghiệm phải có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp.

vothianhxuan.jpg
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Phạm Thắng

Việc này nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và làm cơ sở để cơ quan Nhà nước xem xét, đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trước khi quyết định đưa vào ứng dụng chính thức.

Thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; quy mô thử nghiệm; đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm (gọi là người dùng); số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác.

Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.

Dự thảo quy định, UBND TP Hà Nội dự kiến được cho phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn.

UBND thành phố Hà Nội được cho phép quyết định miễn trừ áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm đã có quy định của pháp luật nhưng không đủ cụ thể hoặc không còn phù hợp trong phạm vi giới hạn được xác định phù hợp với đánh giá về mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát của UBND thành phố.

HĐND thành phố Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm, theo dự thảo luật.

Điểm đáng chú ý là dự thảo luật quy định, tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm được miễn trách nhiệm pháp lý khi đã thực hiện đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Quy định miễn trừ này không áp dụng với trường hợp trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và không tiến hành các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.

Vấn đề mới, cần tiếp cận theo hướng thận trọng

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định này phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện quy định này”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Ông Hoàng Thanh Tùng cũng cho hay, có ý kiến đề nghị nên giới hạn cụ thể hơn về phạm vi các nội dung có thể được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Ví dụ, chỉ gồm công nghệ mới thuộc một số lĩnh vực nhất định như quy định tại Nghị quyết số 98 của Quốc hội áp dụng với TP.HCM. Bởi đây là một nội dung mới, cần có bước đi thận trọng.

phamtrongnghia.jpg
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội đề nghị việc này nên “tiếp cận theo hướng thận trọng”, để bảo đảm kiểm soát tốt.

Ông đề nghị luật nên quy định giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND TP quyết định. Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là: Tài chính, ngân hàng; giáo dục; y tế.

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào, hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao.

Đại biểu Trần Văn Khải, ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng lưu ý, dự thảo luật quy định về thử nghiệm có kiểm soát không rõ giới hạn.

“Có những lĩnh vực áp dụng liên quan tới quyền lợi ích của công dân hay quyền con người, quyền bí mật đời tư thuộc phạm vi Hiến pháp quy định sẽ xử lý như thế nào?”, đại biểu đặt vấn đề và cho rằng dự thảo quy định có chỗ còn mập mờ, dễ xung đột pháp luật trong những trường hợp cụ thể.

Đại biểu Khải cũng lưu ý quy định về quyền của HĐND thành phố Hà Nội cần điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể được thực hiện. Việc này để tránh áp dụng tùy tiện, hay tạo ra cách hiểu, cách áp dụng pháp luật thiếu thống nhất mà nhiều lĩnh vực chỉ do Quốc hội quyết định bằng một đạo luật.

Do đó, ông đề nghị cần sửa quy định Điều 25 phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở Việt Nam theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn trong theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù. Không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan dễ sơ hở.

Đại biểu Trịnh Xuân An, ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng cho rằng phạm vi quy định như dự thảo luật còn tương đối rộng.

Theo đại biểu có thể xây dựng danh mục thử nghiệm trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và xu hướng chung, như lĩnh vực tài chính, chuyển đổi số, AI…

Đại biểu cũng phân tích thêm, thử nghiệm thường gắn với rủi ro, mà gắn với rủi ro cần loại trừ một số trách nhiệm nên cần rà soát quy định loại trừ một số trách nhiệm liên quan vấn đề này.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng quy định về cơ chế kiểm soát đang quá chặt và có lẽ sẽ khiến ít doanh nghiệp, cá nhân nào dám thử nghiệm.

>> Khuyến khích các start-up nước ngoài đến Việt Nam thử nghiệm công nghệ mới

Người đi xe máy 'thi nhau' vi phạm ở ngã tư Hà Nội, CSGT mỏi tay lập biên bản

Chính thức từ tháng sau, Hà Nội sẽ cấm hoặc hạn chế nhiều loại phương tiện ở quận Hoàn Kiếm và Ba Đình

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/de-xuat-ha-noi-ap-dung-co-che-mien-trach-nhiem-khi-thu-nghiem-cong-nghe-moi-2263665.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề xuất Hà Nội áp dụng cơ chế miễn trách nhiệm khi thử nghiệm công nghệ mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH