Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã kiến nghị UBND thành phố xin điều chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung nguồn vốn cho dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tính đến thời điểm hiện nay, dự án đang triển khai 10/10 gói thầu chính; tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 74,63% (trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,2%; tiến độ thi công đoạn ngầm đạt 33%).
Lãnh đạo MRB Hà Nội thừa nhận dự án hiện đang gặp các vấn đề khó khăn gây ảnh hưởng đến tiến độ. Để tháo gỡ, MRB đã kiến nghị UBND TP Hà Nội báo cáo Chính phủ xin điều chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung nguồn vốn cho dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Cụ thể, MRB Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009-2022 thành 2009-2029, trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao trong năm 2022; vận hành toàn tuyến vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029.
MRB cũng đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 34.532 tỷ đồng, tăng khoảng 4.905,24 tỷ đồng (tương đương khoảng 202,81 triệu Euro).
Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là do các nguyên nhân như: Sự biến động của tỷ giá quy đổi (tiền Euro sang tiền đồng) khi thanh toán khối lượng thực hiện; Điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công và phương án vận hành; Chậm trễ tiến độ dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện; Cập nhật các chi phí trong tổng mức đầu tư; Bổ sung các phần việc còn thiếu…
Nói về những khó khăn, vướng mắc mà dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đang mắc phải, lãnh đạo MRB đã chỉ ra các nhóm vướng mắc, khó khăn chính.
Cụ thể, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm chậm trễ, gián đoạn sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu, dẫn đến các gói thầu thiết bị kéo dài và tăng chi phí. Ngoài ra việc chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Mặt khác, việc gia hạn thời gian hợp đồng và bổ sung chi phí do việc kéo dài thời gian dẫn đến các tranh chấp với nhà thầu quốc tế, gây khó khăn cho cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc lựa chọn áp dụng quy định để giải quyết tranh chấp; các vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị.
Tuyến đường sắt gần 35.000 tỷ tại Thủ đô chuẩn bị được vận hành thử trong 7 tuần
Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ bắt đầu chạy từ tháng 6/2024