ĐHCĐ Vincom Retail (VRE): Mục tiêu lợi nhuận kỷ lục 5.200 tỷ đồng, “tiến công” những vùng đất mới

26-04-2023 09:44|Quốc Trung

Vincom Retail (Mã VRE) - thương hiệu bất động sản bán lẻ vừa báo lãi kỷ lục năm 2022 - hiện đang vận hành hệ thống với tổng cộng 2.190 nhân sự.

63bcfe45-ba45-4bb1-b28a-7785247d8f44.jpeg

Sáng 26/4/2023, CTCP Vincom Retail (Mã VRE - HOSE) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 tại Khu đô thị Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội thông qua một số nội dung quan trọng về kế hoạch kinh doanh/phân phối lợi nhuận năm 2023 cũng như chiến lược phát triển trong giai đoạn tới.

Bất chấp một năm nhiều thử thách và biến cố - nhất là đối với ngành bất động sản, Vincom Retail nổi lên như một điểm sáng của ngành với ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tích cực lần lượt 25% và 111% so với cùng kỳ năm trước - đạt 7.361 tỷ đồng và 2.777 tỷ. Biên lợi nhuận ròng ghi nhận mức ấn tượng đạt 38%.

Tại Đại hội, bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Tài chính Vincom Retail cho biết, đến ngày 31/12/2022, công ty đang ghi nhận hơn 12.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.  Công ty đề xuất giữ lại toàn bộ phần lợi nhuận này để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

ĐHCĐ Vincom Retail (VRE):

Đến cuối năm 2022, công ty đã ghi nhận sự hiện diện ở 44/63 tỉnh thành phố với 83 trung tâm thương mại (bao gồm cả 3 trung tâm được xây mới trong năm) với tổng diện tích sàn 1,75 đạt triệu m2.

Cho kế hoạch kinh doanh năm 2023, ĐHCĐ Vincom Retail nhất trí kế hoạch đầy tham vọng với mức kỷ lục 10.350 tỷ đồng doanh thu và 4.680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 41% và 69% so với cùng kỳ.

Đáng nói, trong kịch bản các động lực phát triển kinh tế và môi trường kinh doanh tốt hơn kỳ vọng, VRE đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 11.500 tỷ và 5.200 tỷ đồng - đều là các mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Phía công ty cho biết sang năm 2023 sẽ "tiến công" thêm 1 tỉnh/thành phố đồng thời dự kiến khai trương thêm 2 trung tâm thương mại mới tại TP. HCM và Hà Giang nâng tổ số TTTM lên con số 85.

Ghi nhận tại báo cáo tài chính quý 1/2023 vừa công bố, Vincom Retail báo doanh thu thuần đạt 1.943 tỷ đồng - tăng 42% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp tăng gần gấp đôi lên mức 1.188 tỷ qua đó giúp biên lãi gộp tăng lên mức 61%.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp các dịch vụ liên quan tăng 54% YoY lên mức 1.913 tỷ đồng và tiếp tục là mũi kinh doanh chủ lực; thu từ chuyển nhượng bất động sản đạt gần 3 tỷ và thu mảng khác hơn 27 tỷ đồng.

ĐHCĐ Vincom Retail (VRE):

Trong kỳ, doanh thu tài chính của công ty tăng 118% lên 224 tỷ đồng. Kết quả, VRE báo lợi nhuận sau thuế đạt 1.024 tỷ đồng - gấp gần 3 lần quý 1/2022 qua đó thực hiện được 22% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.

Phía Vincom Retail cho biết, trong quý 1/2023, các sự kiện đón mừng Tết Nguyên đán, ngày Lễ Tình nhân và Quốc tế Phụ nữ 8/3 đã diễn ra đồng loạt trên toàn bộ hệ thống TTTM của công ty mang đến cho khách hàng không gian trải nghiệm, mua sắm an tâm, an toàn cùng các chương trình ưu đãi, quà tặng hấp dẫn.

Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của VRE đạt xấp xỉ 44.259 tỷ đồng - tăng gần 1.600 tỷ so với đầu năm trong đó gần 35.200 tỷ đồng là nguyên giá của bất động sản đầu tư; 7.295 tỷ đồng tiền và tương đương tiền.

Đến cuối năm 2022, Vincom Retail đang vận hành hệ thống với tổng cộng 2.190 nhân sự; mức thu nhập trung bình đạt 13,3 triệu đồng/người/tháng - tăng 15% so với năm trước đó.

Trên thị trường chứng khoán, công ty cũng ghi nhận sự quan tâm đặc biệt từ 20.000 cổ đông - trực tiếp nắm gần 2,3 tỷ cổ phiếu VRE đang lưu hành. Vốn hóa thị trường đến thời điểm kết phiên 25/4/2023 đạt gần 63.000 tỷ.

Phần thảo luận:

Cổ đông hỏi, tỷ suất lợi nhuận gộp quý 1/2023 của công ty tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Công ty có thể duy trì được mức tỷ suất này?

Phúc đáp, lãnh đạo Vincom Retail cho biết công ty đã tích cực trong việc cắt giảm, chi phí hoạt động,… ; thực hiện giải pháp tối ưu chi phí nhân sự, năng lượng và chi phí khác (với chi phí nhân sự, tiết giảm 30% trong giai đoạn từ 2019 - 2022); hợp tác nhà thầu để đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời tại 50 TTTM.

Năm 2023, VRE sẽ đưa vào áp dụng hệ thống năng lượng mặt trời thêm 8 TTTM mới.

Bà Trần Mai Hoa - Tổng Giám đốc cho biết thêm: Tại sao VRE lại có thể đưa được khách vào 83 TTTM? Chúng tôi đã chuẩn hoá mô hình vận hành từ nhân sự, định mức công việc,… để tiến độ triển khai nhanh nhất và tối ưu kế hoạch ngân sách đã lập.

Về việc tăng trưởng biên lợi nhuận có bền vững hay không, chúng tôi đã có nghiên cứu tìm tòi giải pháp để phát triển trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng muốn làm được thì cần có thêm những kinh nghiệm.

Một cổ đông hỏi: Chi phí năng lượng tiết giảm được bao nhiêu phần trăm, cụ thể là các đồng chí tiết giảm bao nhiêu tiền để tăng lợi nhuận và phần lợi nhuận tăng đến từ đâu? Năm qua lợi nhuận công ty tăng trưởng, lợi nhuận thặng dư hiện lớn thì khi nào cổ đông - những người đã gửi gắm niềm tin vào công ty - được chia cổ tức?

84697426-cc11-456c-8aca-f3a5fa5c021d.jpeg

Trả lời, lãnh đạo Vincom Retail cho biết, chi phí năng lượng của doanh nghiệp hiện chiếm khoảng 40 - 45% (50 tỷ đồng/năm), chí phí nhân sự khoảng 30% (75 - 80 tỷ đồng). 

Vì sao VRE chưa lên phương án trả cổ tức? Xin thông báo với các cổ đông về kế hoạch giữ lại số tiền này, công ty sẽ dùng để trả một phần dư nợ gốc trái phiếu cũng như phát triển lưới dự án giai đoạn 2023 -2025 (nguồn vốn dự kiến khoảng hơn 12.000 tỷ đồng). Nếu có kế hoạch chi trả cổ tức chúng tôi sẽ có báo cáo để xin ý kiến cổ đông.

Một cổ đông khác hỏi về kế hoạch kinh doanh của công ty. “Tôi đi nhiều trung tâm thương mại, thấy tình hình còn khó khăn, nhiều trung tâm vẫn còn trống mặt bằng. Ban lãnh đạo có thể chia sẻ cơ cấu doanh thu năm nay là như thế nào? Công ty có kế hoạch trả cổ tức dài hạn cho giai đoạn 5 năm tới?

Theo bà Trần Mai Hoa, chúng tôi có những nhà đầu tư, khách hàng theo sát thị trường. Quý 1 hàng năm thường là thời gian thấp điểm,… ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Trong bối cảnh dịch bệnh, doanh thu của các khách thuê có thể ảnh hưởng hai chiều nên phía công ty thường chia sẻ kế hoạch kinh doanh với khách thuê để đưa ra sách lược, chiến lược cho hoạt động kinh doanh của cả hai bên.

Về kế hoạch kinh doanh năm nay, chúng tôi tiếp tục tập trung cho thuê tại các TTTM; 2023 là bản lề để công ty phát triển tệp khách thuê, tăng độ lấp đầy và cải thiện đơn giá thuê. Năm này cần lấp đấy khoảng 100.000 m2 và nhiều khả năng công ty có thể đạt được.

Để đáp ứng được điều kiện thuê của các khách lớn, cần rất nhiều yếu tố trong đó có câu chuyện “hàng xóm của khách lớn là ai”. Sau khi đưa khách lớn vào phải tăng được độ lấp đầy và đơn giá thuê. Đây cũng là điều chúng tôi chú ý.

Về câu chuyện trả cổ tức, bà Phạm Thị Ngọc Hà chia sẻ: Công ty chưa có chính sách chia sẻ cổ tức trong dài hạn. Với các cổ đông đầu tư vào VRE, hiện chúng tôi có nhiều sản phẩm tốt tại một số TTTM, chúng tôi tin tưởng việc đầu tư dài hạn của nhà đầu tư cũng là những mục đích mà Quý vị hướng đến. 

MBS Research gọi tên 13 doanh nghiệp hưởng lợi khi tỷ giá tăng cao

VRE đặt mục tiêu lãi 4.420 tỷ đồng, hoạt động 89 TTTM Vincom tại 48/63 tỉnh thành trong năm 2024

2 Vincom Mega Mall và 4 Vincom Plaza sắp khai trương giúp VRE có thêm 171.000m2 sàn cho thuê

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kiến thức Đầu tư
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
ĐHCĐ Vincom Retail (VRE): Mục tiêu lợi nhuận kỷ lục 5.200 tỷ đồng, “tiến công” những vùng đất mới
POWERED BY ONECMS & INTECH