ĐHĐCĐ TPBank: Mục tiêu lợi nhuận tăng 18%, chia cổ tức 15% bằng tiền mặt và cổ phiếu
Sáng ngày 24/4, TPBank tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 tại tòa nhà DOJI, số 5 Lê Duẩn, Ba Đình, Hà Nội.
Sáng ngày 24/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 tại tòa nhà DOJI, số 5 Lê Duẩn, Ba Đình, Hà Nội.
Đại hội thông qua một số nội dung như kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch kinh doanh năm 2025, chia cổ tức, tăng vốn điều lệ...
Tính đến 8h50, số lượng cổ đông tham dự là 120 người, đại diện cho hơn 1,7 tỷ cổ phần, tương ứng tỷ lệ 67,64% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đại hội đủ điều kiện tiến hành.

Mục tiêu lợi nhuận đạt 9.000 tỷ đồng, tăng hơn 18%
ĐHĐCĐ TPBank 2025 thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với các chỉ tiêu tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với kết quả năm 2024.
Tổng tài sản dự kiến đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 7,6%; huy động vốn đạt 420.000 tỷ đồng (tăng 12,3%); dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế dự kiến đạt 313.750 tỷ đồng, tăng 20%. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được thực hiện theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao.
Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank chia sẻ: “Là một trong 16 ngân hàng có tầm quan trọng của hệ thống, TPBank luôn duy trì nền tảng kinh doanh vững chắc và tăng trưởng vững bền. Chúng tôi kiên định theo đuổi chiến lược số hóa toàn diện - từ hạ tầng công nghệ đến mô hình vận hành, nhằm mang đến trải nghiệm tài chính thông minh và cá nhân hóa tới từng khách hàng. Ngay từ quý I năm 2025, TPBank đã tiếp tục phát huy bản sắc riêng để tạo bứt phá mạnh mẽ trong kinh doanh, kiến tạo giá trị cho khách hàng, cổ đông và cộng đồng”.
![]() |
Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2025 của TPBank |
Về kết quả kinh doanh quý I/2025, TPBank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động đạt gần 4.500 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ trở thành điểm sáng khi tăng 27% so với quý I/2024, đẩy tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động lên trên 20%, so với mức 15% cùng kỳ năm trước.
Tổng huy động vốn quý I đạt 337.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dư nợ thị trường một đạt hơn 271.500 tỷ đồng, tăng mạnh 28% so với quý I/2024. Riêng cho vay khách hàng đạt hơn 263.100 tỷ đồng, tương ứng tăng 30% so với cùng kỳ 2024. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,75%, cao hơn mức trung bình ngành (2,5%; tính đến ngày 25/3). Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh ngành ngân hàng mới bắt đầu phục hồi tín dụng.
Chia cổ tức tiền mặt năm thứ 3 liên tiếp
ĐHĐCĐ 2025 thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt và phương án tăng vốn điều lệ năm 2025.
Cụ thể, TPBank đề xuất chia cổ tức năm 2025 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 1.000 đồng. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2024, căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024.
Đồng thời, TPBank dự kiến phát hành hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 5 cổ phiếu).
Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm hơn 1.320 tỷ đồng, từ 26.420 tỷ lên khoảng 27.740 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trước đó, năm 2024 ngân hàng đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và phát hành hơn 440 triệu cổ phiếu thưởng. Năm 2023, TPBank chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới 25% và cổ phiếu thưởng gần 40%, tổng giá trị chi trả khoảng 4.000 tỷ đồng.
14 triệu khách hàng là con số lớn làm nền tảng vững chắc cho TPBank
Tại Đại hội, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, TPBank vẫn đang duy trì vị thế dẫn đầu ngân hàng số, nằm trong nhóm các ngân hàng ngày càng lớn mạnh. Năm 2024, TPBank đã có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tích cực, với lợi nhuận tăng 36%.
"Năm 2012 khi chúng ta bắt đầu tái cơ cấu, TPBank chỉ có 55 nghìn khách hàng. Còn hiện nay, ngân hàng đã có 14 triệu khách hàng, một con số rất lớn, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai", ông nói.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tăng mạnh, nằm top 5 ngân hàng tốt nhất về CAR. Các hoạt động ngày càng hiệu quả, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ 41% xuống còn 35% là một nỗ lực rất lớn, không ngừng của toàn thể cán bộ, nhân viên TPBank. Ngân hàng cũng đang ngày càng phát triển theo hướng minh bạch, hiệu quả.
Công tác kiểm soát rủi ro được chú trọng và thực hiện tốt nhất. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chỉ 1,12%. Ông Phú nói TPBank chủ động xử lý các khoản nợ xấu tiềm ẩn, riêng 2024 đã xử lý khoảng 3.700 tỷ đồng.
>> TPBank bất ngờ lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt năm thứ 3 liên tiếp
Trước thềm ĐHĐCĐ, một ngân hàng trình phương án chia cổ tức cao kỷ lục tới 50%
ĐHĐCĐ SHB: Mục tiêu lợi nhuận tăng 25%, chia cổ tức 18%, sẽ bán nốt 50% SHB Finance sớm hơn lộ trình