Người Việt có thói quen là gần đến Tết sẽ đi sắm sửa, không chỉ đồ ăn bánh kẹo, không chỉ quần áo giày dép, không chỉ đồ nội thất gia dụng, người Việt gần Tết còn hay mua nhà, mua ô tô.
Việc mua nhà mới hay xe mới gần Tết là một hành vi để mang tính đánh dấu mốc cho một ý định đã ấp ủ trong suốt cả năm. Mua nhà mới để ăn Tết, mua xe ô tô mới để đi Tết. Nghe vừa buồn cười vì vô lý nhưng lại rất dễ thương.
Vì là 2 món hàng to tiền, thế nên khi mua nhà hay mua xe ai, ngoài hình thức và công năng, thì ai cũng quan tâm đến phong thuỷ. Mua nhà thì xem hướng, mua xe thì chọn màu. Nhưng nhà không hợp hướng thì sẽ mua nhà khác. Còn xe nếu không có màu hợp thì mọi người sẽ lại hay chọn...màu đen! Đơn giản vì màu đen nó có thể không hợp mệnh nhưng mà nó sang hơn, và nó cũng dễ bán hơn. Thế là cuối cùng yếu tố hợp cũng không bằng được sự sang trọng và thanh khoản tốt.
Ngày Tết ai cũng bận, nhưng khách mua nhà mua xe lại có tâm lý là người bán sẽ luôn muốn thu tiền về trước Tết. Thế là khách sẽ làm khó, sẽ đưa ra nhiều thứ oái ăm hơn ngày thường để bắt người bán phục vụ.
Nào là "đi chợ" vòng vòng, thấy chỗ bán ưng ý rồi thì bắt đầu mặc cả. Mặc dù muốn có nhà mới, xe mới và Tết đến đít rồi nhưng mình là người có tiền cơ mà, mình cứ phải mặc cả hăng say cái đã. Khách có biết đâu, người bán hàng ngày Tết hay ngày thường thì hoa hồng cũng chỉ có vậy, "cắt máu" cho khách cũng chỉ được từng đấy chứ không hơn được. Thế nên mặc cả cũng chỉ để cho sướng cái cảm giác của người có tiền chứ ít khi giảm được.
Rồi chốt giá xong thì bắt đầu làm hợp đồng. Mua nhà thì thì nhận là xong, nhưng mua xe thì chưa. Khách sẽ đòi hỏi người bán đi nộp thuế, đi đăng ký, xem có thể nào xin biển đẹp mà chi phí thấp không, rồi đi đăng kiểm. Tất cả những việc này khách chỉ trả các khoản bắt buộc phải trả, còn công sức của người bán được tính là miễn phí! Nhân viên bán xe để vừa lòng khách sẽ chầu trực xếp hàng nộp thuế, xong 3 chân 4 cẳng đi đăng ký, rồi sấp sấp ngửa ngửa đi đăng kiểm. Ngày thường thì làm việc này cũng mất cả ngày, Tết thì đường tắc nên không thể làm tốc độ nhanh được. Khách lại càu nhàu, lại chê, lại trách.
Tết, khách mua nhà xong thì sau Tết làm gì mới làm. Nhưng khách mua ô tô thì không! Xe phải sẵn sàng để ngày Tết đi du xuân chứ? Thế là bắt đầu câu chuyện của lắp phụ kiện, của dán kính. Và lại cái nhân viên bán xe đấy phải làm. Giá cả sẽ tiếp tục được đưa ra so sánh, mặc cả. Tuy nhiên ở khâu này không bị "cắt máu" mà nhân viên bán xe có thêm một chút tiền.
>> Đấu giá biển số sáng 30/1: Ít người mua, cao nhất chỉ 140 triệu đồng
Tết đến, nhà mới mua rồi, xe cũng xong rồi, khoan khoái ngồi trên xe mới ngắm phố phường qua ô cửa kính đã dán phim cách nhiệt. Còn gì sung sướng hơn nữa?
Nhưng đến lúc đấy, những người bán hàng mới bắt đầu lo Tết của họ, mới bắt đầu mua sắm. Nhưng họ không thể mặc cả như khách hàng của họ được nữa! Tết đến rồi, không mua nhanh thì làm gì có ai bán? Thế là mua vội, mua vàng.
Và rồi mùng 1, họ cũng sẽ ra đường, họ cũng sẽ lượn vi vu trên phố chính. Và nếu họ nhìn thấy khách hàng trên chiếc xe ô tô mới họ vừa bán, thì họ sẽ khoe với người nhà họ rằng đó là chiếc xe cuối cùng trong năm của họ với nụ cười mãn nguyện.
Tết, ai mà chẳng phải tự tạo niềm vui?
Đoàn Hiếu Minh
>> Hyundai Tucson, Toyota Innova Cross "khan hàng" dịp đầu xuân
Xót xa cảnh công viên 'đắp chiếu' 10 năm ở Hà Nội, mệnh lệnh phải xong trước Tết
Sẽ hợp long cây cầu lớn nhất Vành đai 3 TP. HCM trước Tết Âm lịch 2025