Mặc dù vốn điều lệ khiêm tốn nhưng các doanh nghiệp vẫn tổ chức phát hành trái phiếu để thu về hàng chục nghìn tỷ đồng.
Từ năm 2019 đến nay, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất cao. Trong năm 2021, Phát Đạt đã phát hành 9 đợt trái phiếu với tổng giá trị 2.305 tỷ đồng. Hầu hết các lô trái phiếu có lãi suất 12 - 13%/năm đáo hạn năm 2023.
Vừa qua, CTCP Bamboo Capital công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với tổng nợ đi vay hơn 15.100 tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với đầu năm, chủ yếu là nợ vay dài hạn. Trong đó, dư nợ trái phiếu ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp này là hơn 9.097 tỷ đồng. Đáng chú ý, vốn điều lệ hiện tại của Bamboo Capital là hơn 2.975 tỷ đồng.
Một thành viên trong hệ sinh thái của Bamboo Capital là CTCP Tập đoàn R&H. Doanh nghiệp này được thành lập tháng 8/2019 với cốn điều lệ 1.450 tỷ đồng. Thời gian qua, doanh nghiệp liên tục phát hành 7 lô trái phiếu với tổng giá trị lên tới 8.150 tỷ đồng. Mục đích huy động trái phiếu dùng cho việc phát triển các dự án bất động sản nhưng không nêu rõ tên dự án.
Cũng trong quý I/2022, Tập đoàn Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.792 tỷ đồng, giảm 39,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ phải trả của Đất Xanh vẫn duy trì ở mức 14.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi có giá trị 300 triệu USD cho đối tác chiến lược với kỳ hạn 5 năm.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2021, Bông Sen Corp phát hành hai lô trái phiếu có tổng giá trị 4.800 tỷ đồng để cơ cấu nợ. Trái chủ là 12 tổ chức trong nước, trong đó có một tổ chức tín dụng và hai công ty chứng khoán. Trong năm 2019, Bông Sen Corp đã phát hành 7.350 tỷ đồng trái phiếu cho các quỹ và công ty chứng khoán.
Tương tự, CTCP Bách Hưng Vương có vốn điều lệ chỉ 200 tỷ đồng nhưng vừa phát hành xong 2.980 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng. Đây là doanh nghiệp do bà Đinh Thị Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Bông Sen Corp làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và sở hữu 75% vốn tại thời điểm thành lập. Đáng nói, các thông tin về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, trái chủ, đơn vị thu xếp cho lô trái phiếu của Bách Hưng Vương không được công bố.
Hay như Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn có vốn điều lệ 250 tỷ đồng nhưng đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng. Trái phiếu được chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.
Công ty TNHH MTV Quản lý Đầu tư Phúc Khang (PKIM) cũng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm nhưng danh sách trái chủ không được công bố. Trước đó, Phúc Khang Corp đã thế chấp toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu ở PKIM được định giá 374,5 tỷ đồng tại TPBank.
CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia cũng thông qua nghị quyết phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2022. Theo đó, tổng khối lượng phát hành tối đa khoảng 300 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn trái phiếu là 24 tháng kể từ ngày phát hành.
Doanh nghiệp bất động sản sàn HoSE trúng đấu giá khu đất rộng 21.000m2 tại Hà Nam
Một doanh nghiệp bất động sản thưởng Tết là ô tô Mercedes 2 tỷ đồng cho nhân viên