Điều gì sẽ xảy ra sau khi Nga khóa van khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria?

28-04-2022 15:30|An An

Ba Lan và Bulgaria là hai quốc gia đầu tiên bị Nga dừng cung cấp khí đốt sau khi không chấp nhận yêu cầu thanh toán bằng đồng Rúp.

Công ty Khí đốt Nhà nước Ba Lan PGNiG cho biết, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã thông báo ngưng cung cấp khí đốt qua đường ống Yamal-Europe kể từ ngày 27/4/2022.

Bộ Năng lượng Bulgaria nói rằng họ cũng đã được thông báo sẽ không có khí đốt chảy qua đường ống TurkStream kể từ ngày 27/4/2022.

Đây là lần đầu tiên Nga hành động kể từ khi tuyên bố hồi tháng 3 rằng sẽ cắt nguồn cung khí đốt đến các quốc gia "không thân thiện" nếu không thanh toán bằng tiền Nga thay vì USD hay euro. Cho đến nay, không có quốc gia châu Âu nào, ngoại trừ Hungary đồng ý với yêu cầu đó từ Moscow.

Vì sao Ba Lan và Bulgaria bị cắt dòng khí đốt đầu tiên?

Ba Lan là nước ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine trong cuộc xung đột. Nước này đóng vai trò là điểm trung chuyển vũ khí mà Mỹ và các quốc gia phương Tây khác hỗ trợ cho Ukraine.

Tuần này, Chính phủ Ba Lan xác nhận đã gửi xe tăng cho quân đội Ukraine. Ngày 26/3/2022, Warsaw cũng đã công bố vòng trừng phạt mới nhắm vào 50 công ty và nhà tài phiệt Nga bao gồm Gazprom.

Bulgaria từng là một trong những đồng minh thân cận nhất của Moscow, nhưng chính phủ mới đã cắt đứt nhiều mối quan hệ cũ với Nga kể từ khi điều hành đất nước vào mùa thu năm ngoái và sau khi quân đội Nga tấn công Ukraine.

Chính phủ mới cũng đã ủng hộ các lệnh trừng phạt chống lại Nga và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Bulgaria đã do dự trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng Thủ tướng Kiril Petkov và các thành viên trong chính phủ liên minh của ông sẽ tới Kyiv trong ngày 27/4 để đàm phán với quan chức Ukraine về việc viện trợ thêm cho nước này.

Xem thêm: Sản lượng dầu thô của Nga có thể giảm tới 17% trong năm 2022

Ba Lan và Bulgaria phụ thuộc thế nào vào khí đốt của Nga?

Nga hiện cung cấp khoảng 55% nhu cầu khí đốt hàng năm của Ba Lan, tức khoảng 21 tỷ m3.

Bulgaria phụ thuộc đến 90% vào khí đốt của Nga, với mức tiêu thụ hàng năm khoảng 3 tỷ m3.

Nước này chỉ nhập thêm một lượng nhỏ từ Azerbaijan nhưng họ hy vọng nguồn cung này sẽ tăng lên sau khi hoàn thành một liên kết đường ống quan trọng với Hy Lạp vào cuối năm nay.

Châu Âu nhập khẩu một lượng lớn khí đốt tự nhiên của Nga để sưởi ấm và sản xuất, bao gồm điện.

Khoảng 60% hợp đồng nhập khẩu được thanh toán bằng đồng euro và hầu hết phần còn lại bằng USD.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết, họ sẽ không tuân thủ yêu cầu về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, cho rằng điều này vi phạm điều khoản hợp đồng và biện pháp trừng phạt của họ đối với Nga.

Đường ống Yamal vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Ba Lan và Đức, qua Belarus.

Ba Lan và Bulgaria sẽ làm gì sau khi bị cắt nguồn cung khí đốt?

PGNiG, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Ba Lan tuyên bố sẽ đệ đơn kiện vi phạm hợp đồng đối với quyết định của Gazprom.

Anna Moskwa, Bộ trưởng phụ trách khí hậu của Ba Lan nhấn mạnh, nước này đã chuẩn bị cho tình huống như vậy sau nhiều năm nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Bulgaria cũng cho biết, hệ thống thanh toán khí đốt mới tạo ra rủi ro đáng kể cho nước này và họ đang làm việc với các công ty khí đốt nhà nước để tìm các nguồn thay thế Nga.

Bộ Năng lượng Bulgaria khẳng định các nhà khai thác khí đốt thuộc sở hữu nhà nước của họ là Bulgargaz và Bulgartransgaz "đã thực hiện các bước cho thỏa thuận thay thế nguồn cung khí đốt tự nhiên và để đối phó với tình hình hiện tại".

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Nếu Gazprom ngưng cung cấp khí đốt cho các quốc gia khác, nền kinh tế châu Âu có thể chịu thiệt hại, khiến giá khí đốt leo thang và có thể dẫn đến việc phân bổ lại nhu cầu khí đốt.

Đức đặc biệt dễ bị tổn thương do phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga cho sinh hoạt cũng như phần lớn hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, việc dừng cung cấp cho châu Âu cũng có thể tác động lên nền kinh tế Nga.

Tại Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ đã chuẩn bị cho một động thái như vậy của Nga. Bà cũng cho biết thêm, Mỹ đã yêu cầu một số quốc gia châu Á có dư nguồn cung cung cấp cho châu Âu.

Ngành công nghiệp LNG của Nga sẽ sụp đổ trước sức ép trừng phạt từ Mỹ?

Mất nguồn cung quan trọng từ Nga, xương sống của nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể rơi vào bế tắc vĩnh viễn

Xuất hiện loại 'vàng trắng' mới hứa hẹn giúp châu Âu 'cai nghiện' khí đốt Nga, Đức sẽ trở thành siêu cường năng lượng?

Bài thuộc chủ đề Khai khoáng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dieu-gi-se-xay-ra-sau-khi-nga-khoa-van-khi-dot-sang-ba-lan-va-bulgaria-133430.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Điều gì sẽ xảy ra sau khi Nga khóa van khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria?
POWERED BY ONECMS & INTECH