Nơi đây không chỉ nổi tiếng với một loại cây dược liệu quý mà còn được nhiều người biết đến bởi sự linh thiêng.
Đỉnh núi linh thiêng của đại ngàn
Ngọc Linh liên sơn (Khối núi Ngọc Linh) là liên hoàn núi non bao trùm 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, bắt đầu từ ngọn Ngọc Lum Heo ở Tây Bắc cho đến ngọn Ngọc Rơ phía Đông Nam. Trong đó, Ngọc Linh là đỉnh núi cao nhất (2.598m), xung quanh còn có những “người anh em” là đỉnh Mường Hoong (2.400m), Ngọc Phan (2.251m), Ngọc Lum Heo (2.116m), Ngọc Kơ-ring (2.066m), Ngọc Bôn Sơn (1.939m),...
Nếu như đỉnh Fanxipan của dãy Hoàng Liên Sơn được người ta biết đến là đỉnh núi cao nhất Việt Nam thì Ngọc Linh lại được biết đến như một ngọn núi linh thiêng của huyền thoại bao đời nay. Những câu chuyện xung quanh Ngọc Linh khiến người ta cảm thấy e ngại chốn rừng thiêng nước độc kỳ bí, ẩn chứa nhiều hiểm nguy nhưng cũng dấy lên sự tò mò làm nhiều người muốn chinh phục.
Những người già ở làng Long Năng mới - dưới chân núi cho rằng đỉnh Ngọc Linh cao vời vợi, mây phủ bốn mùa chính là nơi trú ngụ của thần sét. Với uy nghiêm của vị thần này, đỉnh núi được bảo vệ tuyệt đối, xưa nay người của làng cũng hiếm hoi mới lên được chứ đừng nói là người lạ bên ngoài đến. Nhiều câu chuyện xưa kể lại, những tốp người tìm trầm, tìm sâm đều ra đi rồi không trở lại, họ lạc lối vì rừng sâu huyền bí, hay bị thần sét nổi giận cản lối?
Rồi những câu chuyện về thung lũng kỳ bí Ngọc Rêu – nơi không thể xác định tọa độ, người ta có muốn vượt qua thì lại lòng vòng trở lại chỗ cũ. Cho nên, phong tục của già làng là trước khi leo núi phải soạn một nghi lễ cúng, phải thật thành tâm chào thần rừng, thần thương thì sẽ không mưa gió, để đường đi được thuận lợi rồi quay trở về an toàn. Già làng cũng dặn dò leo núi nhớ đừng gọi nhau kẻo thần rừng nghe thấy, sẽ làm mình lú lẫn mà lạc lối.
Ngọc Linh kì bí, hùng vĩ, ẩn chứa bao điều bí hiểm tạo nên sức hấp dẫn vô cùng, việc chinh phục ngọn núi linh thiêng là mơ ước của nhiều người, đặc biệt là những người thích “chủ nghĩa xê dịch”. Từ trung tâm thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), khách du lịch di chuyển khoảng chừng 54km là đến xã Ngọc Linh, đoạn đường ngắn nhưng ngoằn ngoèo, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, hết sức nguy hiểm.
Nhiều năm về trước, khi chưa có dự án đường Hồ Chí Minh qua đây, đoạn đường này còn nguy hiểm gấp nhiều lần, mùa mưa dầm dề, nước đọng thành vũng lớn như ao, đường lầy lội kéo dài hàng chục km, người ta muốn vào xã Ngọc Linh chỉ còn cách đi bộ từ thị trấn vào chứ không thể đi bất kì loại phương tiện nào khác. Về mùa khô, bụi giăng mù mịt, xe cộ đi một chặng đã được nhuộm một lớp bụi kín mít. Những năm Cách mạng, khung cảnh nơi đây lại càng heo hút, nguy hiểm như xưa kia nhà thơ Tố Hữu đã miêu tả:
"Đường lên xứ lạ Kon Tum
Quanh quanh đèo chật trùng trùng núi cao
Núi hỡi, từ đây băng xuống đó
Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm trường?"
(Tiếng hát đi đày - Tố Hữu)
Thủ phủ của ‘quốc bảo’ sâm Ngọc Linh
Dãy Ngọc Linh hùng vĩ, quanh năm sương mù và mưa lạnh. Nơi có độ che phủ rừng tự nhiên rất lớn của huyện Tu Mơ Rông. Chính vì vậy, đây là điều kiện tốt và vô cùng lý tưởng cho các loại dược liệu quý hiếm phát triển.
Năm 1970, dược sĩ Đào Kim Long, lúc bấy giờ là giảng viên Đại học Dược Hà Nội cùng các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam tìm cây thuốc quý cho người dân và bộ đội.
Đến năm 1973, ông cùng đoàn đã phát hiện cây sâm đầu tiên trên đỉnh Ngọc Linh. Sau khi đưa về nghiên cứu thì thật bất ngờ, cây sâm Ngọc Linh có đến 52 hợp chất saponin. Tuy nhiên, đến những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều người thấy được công dụng rất lớn của sâm Ngọc Linh nên loài sâm quý này đã bị khai thác quá mức và có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Thấy được tầm quan trọng, các ngành chức năng tỉnh Kon Tum bắt đầu lên phương án và cơ chế để bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh quý hiếm này. Lúc bấy giờ, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô là 2 đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, nuôi cấy và phát triển loài dược liệu quý hiếm này, đánh dấu cho sự “hồi sinh” của Sâm Ngọc Linh cho đến tận bây giờ.
Đến nay, diện tích sâm Ngọc Linh được trồng trên dãy Ngọc Linh được phát triển trên 1.700ha và cung cấp giống cho bà con bản địa cùng hợp tác và trồng. Chính cách làm đúng đắn và có chiến lược, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã tạo điều kiện công ăn việc làm cho hàng trăm người dân bản địa Tu Mơ Rông. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể.
Qua hơn 20 năm bảo tồn, phát triển vùng trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh, nhiều sản phẩm chất lượng của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh lần lượt ra đời và đã đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước, có thể kể đến như: rượu Sâm Ngọc Linh K5, trà lá Sâm Ngọc Linh, dịch chiết từ Sâm Ngọc Linh, nước tăng lực Sâm Ngọc Linh K5…