Những tháng cuối năm 2021 được xem là thời điểm bản lề để các công ty địa ốc “chạy nước rút” kết quả cả năm, cũng như “tích cốc phòng cơ” chuẩn bị cho năm 2022.
Nửa đầu năm khả quan
Dù Covid-19 tiếp tục gây ra nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2021, nhưng theo thông tin Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận được, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp địa ốc vẫn khá khả quan, với điểm chung đến từ sự thích nghi với dịch bệnh và kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp thực tế.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest cho biết, nhờ quyết liệt triển khai các giải pháp kinh doanh, Công ty đã hoàn thành được kế hoạch đề ra cho 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, chặng đường 6 tháng cuối năm sẽ gian nan hơn bởi diễn biến dịch bệnh còn khó đoán, bên cạnh những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm nhất định ở một số mảng kinh doanh trước tác động xấu từ Covid-19.
“Chuyện hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến việc khách hàng đến xem nhà mẫu và thực hiện việc mua bán. Không chỉ GP Invest, mà cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm và mỗi doanh nghiệp có thách thức riêng. Với GP Invest, một mảng kinh doanh quan trọng là cho thuê văn phòng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc nhiều khách thuê trả lại văn phòng và phải giảm giá thuê khiến doanh thu 6 tháng đầu năm của mảng này giảm đến 50%”, ông Hiệp cho hay.
Tương tự, ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Phục Hưng Holdings thông tin, do sớm có sự chuẩn bị nên kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 37 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ 2020 và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm, cho dù doanh thu hợp nhất đạt 412 tỷ đồng, bằng 50% cùng kỳ năm trước. Dù vậy, đánh giá tình hình 6 tháng cuối năm, ông Phúc bày tỏ sự thận trọng khi dịch bệnh cũng như biến động giá nguyên vật liệu vẫn là ẩn số.
Không chỉ nhiều chủ đầu tư, kết quả kinh doanh của các đơn vị có thế mạnh về phân phối cũng ghi nhận sự tích cực. Ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, doanh số và lợi nhuận của Công ty tiếp tục vượt kế hoạch đề ra, trong đó các tháng 2, tháng 4 và tháng 5 là những tháng ghi nhận nhiều giao dịch nhất.
Còn theo ông Giáp Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT AVLand Group, Công ty đã hoàn thành 70% kế hoạch kinh doanh cả năm sau 6 tháng. Lý giải về kết quả khả quan này, ông Kiểm cho biết, có nhiều yếu tố bất ngờ nhưng AVLand đã phần nào dự đoán được, ví dụ như cơn sốt đất nền diễn ra ở nhiều nơi và điều này giúp doanh số, lợi nhuận của AVLand Group tăng mạnh.
Chiến thuật cho “canh cuối”
Năm 2021 đã đi được quá nửa chặng đường với những kết quả khá khả quan, nhưng hầu hết thành viên thị trường đều có góc nhìn thận trọng khi dự báo về kết quả kinh doanh những tháng cuối năm. Trong đó, không ít giải pháp ứng phó mang tính chiến thuật đã được đưa ra để thích ứng với bối cảnh mới,
Chẳng hạn, với GP Invest, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, các chủ trương chung về chống dịch là cần thiết và doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc, mà cần có sự chung tay cùng Chính phủ. Tuy nhiên, cái khó là chưa thể dự báo chính xác về diễn biến dịch bệnh, nên chưa thể xác định cụ thể thời điểm thi công trở lại hay có thể kinh doanh bình thường được hay chưa.
Lấy ví dụ về một số dự án đang triển khai dở của doanh nghiệp, ông Hiệp cho biết, khi mọi sự trở lại bình thường cần khoảng 3-4 ngày để huy động vật tư, khoảng 1 tuần để tập hợp đủ nhân sự…, đó là chưa kể đến những gián đoạn khác do dịch bệnh mang lại, như dự án The Nine của GP Invest, thang máy cho tòa nhà được nhập khẩu từ Phần Lan và hàng đã về đến chân công trình, nhưng các chuyên gia chưa thể sang làm việc và cũng có cả tâm lý e ngại do thời gian cách ly dài…
“Do thời gian thi công kéo dài nên thời hạn giao nhà cho khách cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi chỉ tính dự phòng 1-2 tháng cho dự án, nhưng với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, để về đích đúng hạn là vô cùng khó”, ông Hiệp nói.
Ngoài ra, một điểm khó khác của dự án The Nine là có tới 30% quỹ căn dành cho khách ngoại. Theo ông Hiệp, với khách hàng trong nước hiểu tình hình thì dễ thông cảm cùng chủ đầu tư, nhưng với khách hàng nước ngoài thì khó khăn hơn nhiều, bởi theo quy định trong hợp đồng mua bán thì dịch bệnh chưa được chấp nhận là yếu tố bất khả kháng, chưa thể đưa vào điều khoản ký kết.
Còn theo ông Lê Xuân Nga, đã có sự hoang mang nhất định khi tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và Hà Nội đều căng thẳng. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan là vắc-xin đang về nhiều và có thể trở thành “phao cứu sinh” cho thị trường.
Ông Nga cho biết, những tháng cuối năm, BHS Group sẽ tập trung vào các thị trường trọng điểm như Vân Đồn, Hạ Long (Quảng Ninh), Cam Ranh (Khánh Hòa) để phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, bên cạnh các dự án đất nền trong khu đô thị tại Thái Nguyên và khu vực vùng ven Hà Nội. Đây đều là dự án có sở hữu lâu dài, tiềm năng tăng giá lớn.
Thông tin thêm về doanh nghiệp, ông Nga cho hay, BHS Group sẽ tiếp tục duy trì online hóa các hoạt động tập huấn, trao đổi công việc nội bộ và đối tác qua các ứng dụng trực tuyến, một mặt liên tục duy trì kết nối với khách hàng, mặt khác “giữ lửa” cho bộ phận bán hàng. Ông Nga cũng hé lộ, BHS Group đã đầu tư xây dựng một trường quay để phục vụ cho các hoạt động livestream giới thiệu dự án, chia sẻ thông tin thị trường. Đặc biệt, BHS Group đang ghi hình những số đầu tiên cho gameshow “Đấu trường sao đầu tư”, với khách mời là những ngôi sao, người nổi tiếng trong vai trò khách hàng mua nhà. Hiện số đầu tiên với sự góp mặt của một “nàng hậu” và một kiến trúc sư (kiêm Youtuber) đã xong và sẽ sớm lên sóng trong thời gian tới.
Cũng đang đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong công tác quản trị doanh nghiệp, ông Giáp Văn Kiểm thông tin, trong chiến lược nước rút 6 tháng cuối năm, AVLand Group xác định rất rõ việc sống chung với dịch với một loạt giải pháp như chia ca làm việc, thực hiện tối đa các hoạt động trên ứng dụng công nghệ..., thậm chí còn lên kịch bản dự phòng cho trường hợp xấu nhất là có nhân sự chủ chốt dương tính với Covid.
“Chúng tôi xác định đây là thời điểm tấn công, chứ không còn phòng thủ nữa. Khi Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp nào chưa có sự chuẩn bị thì đóng cửa và nếu 80% doanh nghiệp phòng thủ thì chúng tôi nằm trong số phần trăm tấn công để chiếm lĩnh thị trường, bởi trước kia một dự án có 5-7 sàn cùng ‘chiến đấu’ thì nay chỉ còn 1-2 sàn nên cạnh tranh cũng giảm đi. Cùng với đó, chi phí để mở thêm một văn phòng trước đây mất khoảng 1 tỷ đồng, thì nay giảm xuống khoảng 300 triệu đồng và đây là cơ hội để AVLand Group tiếp tục mở rộng hệ thống khi đã hiện diện ở hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước”, ông Kiểm nói.
Với Phục Hưng Holdings, theo chia sẻ của ông Trần Hồng Phúc, công tác triển khai các dự án sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm. Ngoài các dự án đang triển khai như giai đoạn 2 dự án Mỹ Đình Pearl, Công ty sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ cũng như hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án về thủy điện, khu công nghiệp, khu dân cư ở nhiều địa phương như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Nội.
Ông Phúc cho biết, sự điều chỉnh kịp thời công tác quản trị doanh nghiệp đã cho thấy hiệu quả và rõ ràng nhất là chi phí tài chính đã giảm đáng kể. Công ty đã triển khai tốt hình thức quản lý chi phí theo đường biên, phê duyệt phương án kinh tế theo từng gói thầu ngay sau khi có kết quả trúng thầu. Từ đó, tính được biên giá của vật tư dự án, giảm thiểu rủi ro và chi phí tiêu hao nguyên vật liệu, biến động giá và nhân công.
“Sáu tháng cuối năm với Phục Hưng Holdings không chỉ là thời điểm chạy nước rút hoàn thành kế hoạch cả năm, mà còn mang nhiệm vụ chuẩn bị nguồn lực cho những năm tiếp theo”, ông Phúc nhấn mạnh.