Bình Định kiên quyết thu hồi dự án chậm trễ
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định khẳng định kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án đối với các trường hợp nhà đầu tư chậm triển khai mà không có lý do chính đáng, khách quan.
Chấm dứt, thu hồi 97 dự án
Ngày 12/12, tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Bình Định khoá 13, đại biểu yêu cầu làm rõ nguyên nhân nhiều dự án trên địa bàn TP Quy Nhơn đã được cấp phép, triển khai thực hiện nhiều năm nhưng đến nay chưa hoàn thành.
Giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu, ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định, cho biết, qua rà soát, trên địa bàn TP Quy Nhơn có 44 dự án đang triển khai thực hiện, trong đó có 27 dự án còn tiến độ đầu tư, 17 dự án trễ tiến độ đầu tư.
Sở đã tổ chức kiểm tra các dự án ở TP Quy Nhơn, qua đó xử phạt 9 dự án, ngừng hoạt động 2 dự án. Tính từ năm 2020-2024, đã tiến hành chấm dứt, thu hồi 97 dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Lê Hoàng Nghi, các dự án chậm tiến độ có nhiều lý do khách quan và chủ quan. Đó là ảnh hưởng của thiên tai, dịch Covid-19, khó khăn về thị trường và tiếp cận tín dụng. Một số dự án gặp khó khăn trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do người dân không đồng ý. Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách như điều chỉnh các luật về đất đai, đấu thầu, xây dựng, nhà ở, PCCC,... dẫn đến một số dự án phải thực hiện rà soát lại thủ tục pháp lý nên thời gian thực hiện bị kéo dài.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư chưa quyết tâm, chưa tích cực và năng lực tài chính không đảm bảo nên việc triển khai dự án chậm, phải xin gia hạn nhiều lần.
Ông Nghi cho biết, để khắc phục việc chậm trễ này, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát dự án đầu tư nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời đôn đốc các nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án tích cực hơn.
Một số dự án đã tích cực triển khai thi công lại như dự án I Tower Quy Nhơn, khu nghỉ dưỡng La Costa, dự án Eco Bay,... Một số dự án cam kết thời gian hoàn thành.
“Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi một mặt thường xuyên lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc của nhà đầu tư, một mặt khác kiên quyết xử lý nghiêm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, ngừng hoạt động để khắc phục, chấm dứt dự án theo quy định đối với các trường hợp nhà đầu tư chậm triển khai dự án mà không có lý do chính đáng, khách quan”, ông Nghi nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, thông tin, để tránh lãng phí về đất đai, tỉnh đang rà soát lại và sẽ có chỉ đạo tích cực. Tuy nhiên, việc thu hồi dự án phải có lộ trình, khảo sát, đánh giá theo quy định của pháp luật.
Ế dự án nhà ở xã hội
Về kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định Trần Viết Bảo cho hay, tỉnh đã quy hoạch đầy đủ về đất đai để đảm bảo chỉ tiêu trung ương giao. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2025 thấp hơn so với năm 2024 là do các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội gặp khó khăn về vốn.
“Nhà đầu tư chỉ cần có vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án là đủ điều kiện được lựa chọn, còn lại có thể đi vay. Nhưng vay vốn không hề đơn giản. Dù Chính phủ có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nhưng tại thời điểm ban hành chủ trương, lãi suất cho vay còn cao so với vay thương mại. Điều kiện được vay cũng không đơn giản như trước, phải có tài sản thế chấp. Chủ đầu tư đang kẹt vốn nên không dám đầu tư, thi công theo kế hoạch”, ông Bảo lý giải.
Một nguyên nhân nữa là khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Ông cho biết, trong năm 2024, Bình Định chỉ bán được 350 căn nhà ở xã hội. Các dự án nhà ở xã hội của tỉnh đang tồn kho 600 căn.
“Hy vọng với Luật Nhà ở mới, quy định đối tượng mua nhà ở xã hội thoáng hơn, mức giá được kiểm soát khoảng 12 triệu/m2 sẽ thu hút được người mua”, ông nói.
Về vấn đề này, Bí thư tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, nhu cầu nhà ở xã hội trước đây rất cao, 1 căn có đến 3 người đăng ký thì nay 3 căn mới có 1 người.
“Tại sao trước đây người dân có nhu cầu về nhà ở xã hội, còn bây giờ thì không? Chứng tỏ chính sách nhà ở xã hội có sự bất cập, có tình trạng đầu cơ, mua nhà ở xã hội mấy trăm triệu sang tên kiếm vài trăm triệu”, ông Dũng nói và đề nghị Sở Xây dựng không thể nói chung chung, cần xem dư thừa do đâu để có sự điều chỉnh.