Doanh nghiệp dệt may ứng phó chờ thị trường "ấm lên"

22-06-2023 11:19|THY HẰNG

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ "cầm cự", doanh nghiệp dệt may cũng cần chủ động đa dạng mặt hàng theo nhu cầu thị trường chờ sự khôi phục dần dần nhu cầu.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tình hình hiện rất khó khăn với doanh nghiệp.

0859-nganhdetmay.jpg
Hai lĩnh vực chính đối mặt với nhiều khó khăn nhất là ngành sợi và ngành may.

Riêng với Vinatex, 2 lĩnh vực chính đối mặt với nhiều khó khăn nhất là ngành sợi và ngành may. Cụ thể, với lĩnh vực sợi, ông Hiếu cho biết khó khăn kéo dài từ quý 3/2022, đỉnh điểm là quý 4/2022 và tiếp tục đến tháng 6/2023 vẫn khó. Nguyên nhân là do cầu thấp, giá giảm do giá bông (nguyên liệu chính của ngành kéo sợi) biến động liên tục khi lên khi xuống và hiện giờ giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp sợi lỗ, tồn kho lớn trong khi vẫn phải duy trì sản xuất.

Với lĩnh vực may, từ quý 4/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún. “Chưa bao giờ các doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng từ 500-1.000 chiếc áo jacket như bây giờ. Doanh nghiệp phải làm vì không làm thì khách không biết đến, không có đơn hàng”, ông Hiếu nêu thực tế.

Tình hình tương tự với doanh nghiệp sản xuất hàng dệt kim, từ tháng 4/2022 đến nay gần như không có đơn hàng. Do mặt hàng dệt kim của tất cả các nhãn hàng trên thế giới tồn kho số lượng lớn.

Không chỉ về số lượng, đơn giá cũng được cho biết là giảm khủng khiếp. Thực tế nhiều đơn vị hiện nay giá gia công của ngành may có mã hàng giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trên thực tế, 5 tháng đầu năm 2023 tình trạng thiếu đơn hàng, giá giảm tác động mạnh tới các doanh nghiệp. Thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,422 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng tháng 5/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 2,780 tỷ USD, giảm 8,73% so với tháng trước và giảm 27,16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 5 tháng năm 2023 chỉ đạt 8,782 tỷ USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ 2022.

Tương lai gần cũng không mấy sáng sủa khi tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19… Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas thậm chí còn nhận định: “Điểm rơi” dệt may sẽ mất khoảng 3 năm, tức là kéo dài sang đến năm 2024 song sẽ không xuống đáy như thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023 mà khôi phục dần dần”.

detmay-odnf.jpg
“Điểm rơi” dệt may sẽ kéo dài sang đến năm 2024.

Từ thực tế này, doanh nghiệp Chính phủ cần khởi động lại những gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid. Cần rà soát lại các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã sử dụng như thế nào, từ đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Bởi trên thực tế nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ đưa ra, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được đẩy mạnh. Như gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% hiện vẫn bị tắc.

Nghị quyết Quốc hội quy định “Chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp có khả năng phục hồi”, theo chuyên gia, quy định như vậy gây khó cho doanh nghiệp cũng như ngân hàng thương mại khó thực hiện. Do đó, kiến nghị cần sửa đổi quy định này để giúp doanh nghiệp khó khăn tiếp cận được gói hỗ trợ. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay cần giảm xuống để doanh nghiệp bớt khó khăn hơn trong dòng tiền.

Ngoài ra nhà nước cần chú trọng hỗ trợ người lao động bên cạnh việc doanh nghiệp tìm cách giữ chân lao động. Đơn cử những quỹ kết dư như chi phí công đoàn – phần doanh nghiệp đóng nên để lại để công đoàn cơ sở lo cho người lao động. Hay tiền quỹ hưu trí, tử tuất nên tiếp tục ngừng đóng hoặc giãn, hoãn thời gian đóng để doanh nghiệp có dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh…

Về phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động đa dạng mặt hàng theo nhu cầu thị trường. Với ngành sợi nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng. Phát triển đồng bộ về công nghệ và kỹ thuật cho ngành dệt nhuộm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn.

Ông Donald Trump tái đắc cử: Cơ hội vàng cho ngành dệt may Việt Nam giữa thế khó của Trung Quốc

Thị trường đón nhiều tín hiệu tích cực, CTCK gọi tên 11 cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng vĩ mô

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-det-may-ung-pho-cho-thi-truong-am-len-246195.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp dệt may ứng phó chờ thị trường "ấm lên"
    POWERED BY ONECMS & INTECH