Doanh nghiệp Đức muốn mở rộng đầu tư và tuyển thêm lao động tại Việt Nam

08-07-2023 06:42|Thảo Đan

Hơn 90% các nhà đầu tư Đức muốn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó 40% có kế hoạch tuyển lao động trong 12 tháng tới.

Theo Kết quả khảo sát của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), 91% các nhà đầu tư của nước này mong muốn tiếp tục đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và khoảng 40% trong đó có kế hoạch bổ sung lực lượng lao động.

Trong khi đó, 88% số doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin với tình hình kinh doanh của họ tại Việt Nam (hài lòng và tốt) và gần một nửa số doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục ổn định, trong khi 21% tin tưởng tình hình sẽ cải thiện.

Các doanh nghiệp Đức đánh giá, nhờ việc triển khai nhanh chóng các kế hoạch hành động của Chính phủ và điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực. Bởi vậy, các doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam trở nên lạc quan hơn so với kỳ mùa thu năm 2022.

Dù vậy trong ngắn hạn, các nhà đầu tư Đức vẫn thận trọng do rủi ro đến từ những biến động kinh tế toàn cầu gây ra như: nhu cầu toàn cầu thấp (51%), quan ngại về chính sách phát triển kinh tế (46%), thiếu hụt lao động có tay nghề (34%) và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng (28%).

Ngoài ra, những thách thức địa chính trị như: lạm phát/chính sách tiền tệ (41%), sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu (41%) và sự gia tăng ảnh hưởng chính trị đối với chuỗi cung ứng (40%).

Theo các doanh nghiệp Đức, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi tăng trưởng trong trung hạn nhờ sự thúc đẩy bởi nhiều yếu tố từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), việc triển khai chiến lược "Trung Quốc +1", xu hướng toàn cầu về dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất đến các trung tâm sản xuất có tính cạnh tranh cao tại Đông Nam Á và dòng vốn đầu tư xanh. 57% nhà đầu tư Đức tại Việt Nam ưu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, trong đó Việt Nam là lựa chọn hàng đầu, tiếp theo là Malaysia và Thái Lan.

Từ thực tế trên, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) đã đề xuất những lĩnh vực trọng tâm để tăng cường hơn nữa sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tiềm năng như Việt Nam gồm: cùng hợp tác và nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động lành nghề bằng cách trang bị cho người lao động các kỹ năng theo tiêu chuẩn của Đức, tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số; ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp địa phương để duy trì vai trò của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu và của Đức, đồng thời tuân thủ các quy định về phát triển bền vững như ESG và Đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức.

AHK Việt Nam khuyến nghị cụ thể hóa và khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện VIII để khuyến khích sản xuất điện tái tạo; đơn giản hóa, số hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính để tận dụng Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.

Bình Định quyết tâm 'theo tới cùng' dự án điện gió ngoài khơi 4,6 tỷ USD của doanh nghiệp Đức

FPT Software ‘bắt tay’ với doanh nghiệp Đức để phát triển ngành năng lượng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-duc-muon-mo-rong-dau-tu-va-tuyen-them-lao-dong-tai-viet-nam-191234.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp Đức muốn mở rộng đầu tư và tuyển thêm lao động tại Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH