Khu thương mại tự do thường được thành lập xung quanh các cảng biển, sân bay lớn và địa điểm cửa ngõ quốc gia nơi mà có nhiều lợi thế về thương mại.
Ngày 11/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã chủ trì buổi tiếp, làm việc với ông Trần Thoang, Giám đốc Công ty CT - Strategies Việt Nam (thuộc Công ty tư vấn chiến lược CT Strategies Hoa Kỳ) và các thành viên về việc khảo sát, đề xuất thành lập Khu thương mại tự do trên địa bàn tỉnh. Đây là mô hình chưa từng có ở Việt Nam.
Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp chia sẻ, công ty đang tập trung tư vấn, hỗ trợ hoạt động logistics, chuỗi cung ứng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay CT - Strategies Việt Nam đang tập trung tư vấn đề xuất hình thành các khu thương mại tự do tại một số tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Trị, Quảng Ngãi...
Trên thế giới, mô hình khu thương mại tự do đã được thành lập ở nhiều quốc gia và có những ưu, nhược điểm khác nhau. Một số mô hình đi trước thành công là cơ sở cho Việt Nam nghiên cứu để triển khai thực hiện.
Điểm mấu chốt việc thành lập mô hình khu thương mại tự do tại Việt Nam đang là vấn đề mới, chưa có cơ sở để thực hiện, việc triển khai sẽ cần rất nhiều thời gian. CT - Strategies Việt Nam cũng đã kiến nghị được triển khai thí điểm mô hình nhưng từ ý tưởng đến thực tế còn nhiều việc phải làm.
CT - Strategies Việt Nam đề xuất thành lập Khu thương mại tự do trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh minh hoạ |
>> Đà Nẵng lập khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu, tung loạt ưu đãi đầu tư
Từ kiến nghị của đơn vị tư vấn và ý kiến của các sở, ngành, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh giao UBND tỉnh và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp với tư vấn làm rõ sự cần thiết (nếu có) của việc xây dựng Khu thương mại tự do trên địa bàn. Các lợi thế so sánh của Đồng Nai về hạ tầng, giao thông, kinh tế; tình hình thực tiễn trên thế giới, trong nước về mô hình này, tính khả thi để tiếp tục có các bước chuẩn bị tiếp theo.
Về vị trí, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh - đô thị lớn nhất cả nước, nối Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam Bộ.
Khu thương mại tự do (Free-trade Zone) (FTZ) được xác định là một trong các loại hình đặc khu kinh tế. Khu vực FTZ là một vùng địa lý xác định nơi mà hàng hóa được nhập khẩu, lưu trữ, xử lý, sản xuất hoặc gia công sau đó được xuất khẩu với các quy định về Hải quan đặc thù, thông thường là được miễn Thuế.
Các FTZ thường được thành lập xung quanh các cảng biển, sân bay lớn và địa điểm cửa ngõ quốc gia nơi mà có nhiều lợi thế về thương mại. Ngày nay các Khu thương mại tự do không chỉ thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu hay sản xuất hàng hóa mà còn tập trung nhiều hơn vào các dịch vụ công nghiệp như phần mềm, hoạt động nghiên cứu và dịch vụ tài chính.
Việc thành lập các FTZ thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu vực này làm động lực phát triển kinh tế cho các khu vực xung quanh. Các FTZ có các điều kiện miễn, giảm thuế hấp dẫn và có cơ chế về hành chính riêng nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Các tập đoàn với mạng lưới chuỗi cung ứng lớn sẽ tận dụng các cơ chế ưu đãi của các FTZ để đầu tư sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ. Đây là nền tảng để phát triển chuỗi cung ứng địa phương và mạng lưới các nhà cung cấp phụ trợ, tạo hiệu ứng lan tỏa về kinh tế.
Trên thế giới các nước phát triển đã có các mô hình FTZ thành công trở thành một động lực phát triển kinh tế cho đất nước. Tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (United Arab Emirates - UAE) khái niệm về Khu thương mại tự do đã được đưa ra nhằm giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất kinh doanh với các lợi ích từ việc toàn quyền sở hữu doanh nghiệp, miễn thuế xuất nhập khẩu 100%, thủ tục hành chính hiện đại ứng dụng một cửa 4.0, cấp các VISA nhập cư nhà đầu tư và lao động nước ngoài, tổng đài dịch vụ 24/7, các dịch vụ y tế, nhà hàng và khách sạn và hệ sinh thái dịch vụ.
Nhiều nước ở ngay quanh Việt Nam cũng đã có các khu thương mại tự do như Batam, Bintang của Indonesia; Clark, Subic của Philippines; Port Klang, Tanjung Pelepas ở Malaysia.
Trong những năm gần đây, Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu là hai địa phương có nhiều lợi thế về logistics với hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông phát triển mạnh được nhiều chuyên gia đề xuất để sớm trở thành nhưng khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam.