Thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn nên thị trường vật liệu xây dựng ngưng trệ. Nếu không được tháo gỡ, nguy cơ phá sản của một lượng đáng kể doanh nghiệp là hiện hữu.
Mới đây, 8 Hội, Hiệp hội về vật liệu xây dựng (bao gồm: Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; Hiệp hội Xi măng Việt Nam; Hội Bê tông Việt Nam; Hiệp hội Thép Việt Nam; Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam; Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam; Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam; Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam) cùng Viện Vật liệu xây dựng và Công ty Cổ phần Eurowindow phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm về “Thị trường Vật liệu xây dựng – Những điểm nghẽn và Giải pháp".
Theo báo cáo, trong 5 tháng đầu năm nay, đối với mức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp ngành Thép thô giảm 18%, thép xuất khẩu giảm 78%, thép xây dựng giảm 26,4%, thép cuộn cán nóng có lượng giao dịch giảm 17,9% so với cùng kỳ. Thị trường nguyên vật liệu thép trên thế giới tăng giảm thất thường.
Nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thị trường bất động sản chưa hồi phục, có thể kể đến như các doanh nghiệp thiếu vốn lưu động, lãi suất ngân hàng ở mức cao. Đặc biệt, trong tháng 4 vừa qua, nhiều đơn vị đã có mức điều chỉnh giá thép xây dựng đến 3 lần nhưng nhu cầu tiêu thụ thép vẫn còn thấp.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bê tông Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp sản xuất bê tông trong nước hiện cũng đang gặp khó khăn trong tình trạng suy giảm trầm trọng bởi thị trường bất động sản đóng băng, các dự án của NƠXH chưa được triển khai nhiều, do vậy sản lượng bê tông đầu năm nay cũng giảm mạnh.
Đối với thị trường gốm sứ xây dựng Việt Nam, sản phẩm tồn kho chỉ có 18-20% sản phẩm là không tiêu thụ được, sản lượng sản xuất đạt 50 – 60%. Đối với xuất khẩu, trong Q1/2023 đã đạt 47,7 triệu USD với gạch ốp lát và 35,9 triệu USD từ sứ vệ sinh. Đối với nhập khẩu, trong Q1 vừa qua gạch ốp lát đạt 47,7 triệu USD, men màu đạt 9,7 triệu USD. Điều này cho thấy, nguyên nhân khiến thị trường này bị tồn đọng sản phẩm trong khi công suất chỉ đạt một nửa là do thị trường quốc tế suy thoái, doanh nghiệp thiếu vốn và bất động sản đóng băng. Nếu điều này không được tháo gỡ kịp thời sẽ khiến số lượng doanh nghiệp GSXD có nguy cơ phá sản gia tăng.
Bên cạnh đó, ông Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, trong 5 tháng đầu năm lượng sản xuất của ngành xi măng cũng giảm 20%. Khó khăn lớn nhất trong thời điểm hiện nay là những sản phẩm không được tiêu thụ do đầu ra bị tắc nghẽn, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân. Tiếp đến là chi phí đầu vào và logistic tăng khiến sức cạnh tranh bị suy giảm. Ngoài ra, thuế xuất khẩu tăng cũng gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước.
Trước những khó khăn của thị trường vật liệu xây dựng, các Hiệp hội cũng đưa ra nhiều kiến nghị để tháo gỡ những điểm nghẽn.
Theo đó, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính sớm điều chỉnh thuế VAT đối với các sản phẩm xuống 8%; Giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp sản xuất; Khuyến khích các doanh nghiệp thép xuất khẩu các sản phẩm như thép xây dựng, thép cán nguội, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, ống thép hàn đã đáp ứng đủ nhu cầu thép trong nước; Kiến nghị Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ hạ tầng, cắt giảm chi phí và phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ tài chính, điều chỉnh chính sách thuế nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thép…
Ông Lương Đức Long cho rằng hiện nay ngành xi măng trong nước có lượng sản xuất dư thừa, cung vượt cầu, do đó nên tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước như tăng cường xây dựng NƠXH, đô thị, nhà công nghiệp...Cùng với đó là tạo điều kiện cho các nhà sản xuất sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, sử dụng nhiệt thải lò nung phát điện nhằm đạt mục tiêu kép cũng như tránh mức giá năng lượng cao, giải quyết được rác thải.
Ngoài ra, Hội Bê tông Việt Nam cũng kiến nghị Nhà nước có cơ chế pháp luật rõ ràng nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nhà thầu trước tình trạng bị chiếm dụng vốn của các chủ đầu tư trong đầu tư tư nhân và đầu tư công. Đặc biệt, chủ đầu tư dự án công phải bị xử lý nghiêm nếu không thanh toán tiền đúng hạn cho nhà thầu và có chế độ bảo lãnh thanh toán vô điều kiện nếu nhà thầu không chịu phí bảo lãnh.
Năm 2025, tuyến cao tốc quan trọng hơn 27.000 tỷ đồng tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thành
Doanh nghiệp vật liệu xây dựng: cải thiện “nội lực” để mở rộng thị trường