Doanh nghiệp "tay ngang" ngày ấy: L14 "bỏ chơi" chứng khoán, PET, VHC, TLH, CMC "cháy" danh mục

23-04-2023 18:29|Quốc Trung

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thể vượt vùng cản 1.080 - 1.100 điểm, "cuộc chơi chứng khoán" của những doanh nghiệp tay ngang trên sàn vẫn chưa hết rủi ro.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 đang bước vào nhịp sôi động và náo nhiệt. Quan sát, ngoại trừ nhóm ngân hàng tiếp tục ghi nhận tăng trưởng với mức đóng góp từ 50 - 65% tổng lợi nhuận toàn thị trường, các nhóm khác đa số đều chứng kiến sự phân hóa theo chiều hướng không có lợi trong đó có bất động sản, chứng khoán, thủy sản, thép, phân bón - hóa chất,...

Bên cạnh những doanh nghiệp công bố các khoản lãi tăng trưởng bằng lần, có không ít công ty tiếp tục chứng kiến kết quả kinh doanh kém sắc. Mặc dù vậy, trong bài viết này, chúng tôi chỉ điểm mặt kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp tay ngang - đầu tư chứng khoán.

Vấn đề đầu tiên cần nhấn mạnh rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua quý đầu năm với nhiều biến động do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước.

Chuyện của những doanh nghiệp
Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm 2023 tới nay

Kết phiên 31/3/2023, VN-Index đạt 1.064,64 điểm - tăng 57,55 điểm (+5,71%) so với thời điểm cuối năm 2022 (mức 1.007,09 điểm).

Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tính tới cuối tháng 3 đạt gần 5.400 nghìn tỷ đồng - tăng hơn 3,3% so với cuối năm 2022. Dù vậy, thanh khoản thị trường cổ phiếu vẫn khá trầm lắng với giá trị giao dịch bình quân chỉ ở mức 11.300 tỷ đồng/phiên.

Trong khoảng thời gian kể trên, sóng nhỏ đã xuất hiện ở một số nhóm ngành như dầu khí, chứng khoán, đầu tư công, mía đường,... cũng như một số cổ phiếu có câu chuyện riêng. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa xuất hiện một con sóng đủ lớn; những cổ phiếu đã giảm mạnh trong năm qua vẫn đang giao dịch ở các vùng giá thấp. Đáng nói, không ít mã trong số này đang là tâm điểm đầu tư của nhiều doanh nghiệp "tay ngang".

CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã TLH - HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu giảm 20% so với cùng kỳ về mức 1.432 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 6,3 tỷ đồng - giảm 93% YoY song cả thiện hơn mức lỗ 114 tỷ đông của quý liên trước. Với kết quả này, công ty mới chỉ thực hiện được 6,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Chuyện của những doanh nghiệp
Lợi nhuận tài chính của TLH liên tục âm trong các quý trở lại đây

Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của công ty ghi nhận mức 4.116 tỷ đồng bao gồm 2.850 tỷ đồng hàng tồn kho (đã trích lập dự phòng hơn 21 tỷ) - chiếm 69,2% tổng tài sản.

Điểm đáng lưu ý, danh mục đầu tư chứng khoán của TLH trong quý 1 giảm về mức 90 tỷ đồng trích lập dự phòng giảm từ mức gần 63 tỷ hồi đầu năm về còn 49,5 tỷ đồng - tương ứng tạm lỗ 55,1% tổng danh mục.

Công ty đang ghi nhận đầu tư 23,5 tỷ đồng cổ phiếu SHB (trích lập dự phòng 11,1 tỷ); đầu tư 21,2 tỷ đồng cổ phiếu VIX (dự phòng 13,5 tỷ); đầu tư 12,8 tỷ đồng cổ phiếu IJC (dự phòng 6,3 tỷ đồng); các khoản đầu tư khác với 32,3 tỷ đồng (trích lập dự phòng 18,6 tỷ).

Chuyện của những doanh nghiệp

Như vậy, toàn bộ danh mục đầu tư chứng khoán của thép tiến Lên đều ghi nhận thua lỗ trong quý 1 vừa qua.

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã VHC - HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với doanh thu 2.221 tỷ đồng - giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 60% về mức 219 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý tại danh mục chứng khoán kinh doanh, công ty ghi nhận 77,4 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu NLG (trích lập dự phòng 32,5 tỷ); 57,3 tỷ đồng cổ phiếu DXS (trích lập dự phòng 38,9 tỷ đồng); 32,8 tỷ đồng cổ phiếu KBC (trích lập 7,7 tỷ) và đầu tư 11,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác (dự phòng 4,7 tỷ).

Tính chung đến cuối quý 1/2023, giá trị đầu tư gốc danh mục chứng khoản của Vĩnh Hoàn là gần 179 tỷ đồng trong đó trích lập dự phòng toàn bộ danh mục với giá trị 84 tỷ. Tạm tính, khoản đầu tư cổ phiếu đang khiến công ty thủy sản này lỗ gần 47%.

Chuyện của những doanh nghiệp

Vĩnh Hoàn bắt đầu gia nhập làn sóng doanh nghiệp tay ngang (tay phải "bán cá" - tay trái đánh chứng") từ quý 1/2021 với giá trị đầu tư gốc ghi nhận mức 8,6 tỷ đồng - tăng 8 tỷ so với quý trước đó.

Tới cuối quý 2/2022, danh mục đầu tư này đã tăng gấp hơn 23 lần lên mức 200 tỷ đồng song công ty phải trích lập dự phòng gần 62,7 tỷ.

Chỉ tính riêng 3 mã NLG, DXS, KBC ghi nhận trong danh mục đầu tư quý 1/2023 của VHC, so với các mức giá đỉnh hồi đầu năm 2022, cổ phiếu NLG hiện đã giảm 60% giá trị từ vùng 65.x, cổ phiếu DXS giảm 81% từ cao điểm 32.x trong khi KBC cũng lao mạnh 47% về còn 24.500 đồng (giá kết phiên 21/4/2023).

Chuyện của những doanh nghiệp
Biểu đồ VN-Index và giá các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của Vĩnh Hoàn đến cuối quý 1/2023

CTCP Đầu tư CMC (Mã CMC - HNX) - một doanh nghiệp quy mô nhỏ hoạt động ở mảng phụ tùng ô tô cũng vừa báo trích lập dự phòng hơn 39% cho danh mục đầu tư chứng khoán trong quý vừa qua.

Cụ thể, CMC đang ghi nhận các khoản đầu tư tại 19 mã cổ phiếu với tổng giá trị gốc đi ngang so với đầu năm - đạt gần 29,7 tỷ; các khoản đáng chú ý có 3,2 tỷ đồng cổ phiếu HPG, 10,9 tỷ đồng cổ phiếu GEX, gần 2,1 tỷ đồng cổ phiếu VLC, 9,4 tỷ đồng cổ phiếu EBS, hơn 1 tỷ đồng tại cổ phiếu LTC,... cùng hàng loạt cổ phiếu dàn trải ở nhiều nhóm ngành.

Đến cuối quý, công ty ghi nhận lỗ nặng nhất ở cổ phiếu GEX với âm 7,2 tỷ đồng (-66%); các mã HPG, VLC, LTC, EVG, VE8 cũng khiến công ty phải tăng trích lập đáng kể.

Chuyện của những doanh nghiệp
Thuyết minh dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh của Đầu tư CMC trong quý 1/2023

Trong quý 1, CMC ghi nhận doanh thu gần 9,9 tỷ đồng - giảm so với còn số 14,8 tỷ của quý 1/202. Thu không đủ bù chi khiến công ty lỗ ròng 476 triệu đồng qua đó ghi nhận quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp.

Quan sát, "cuộc chơi" chứng khoán của Đầu tư CMC đã bắt đầu từ năm 2016 với khoản đầu tư gần 70 tỷ đồng và trích lập dự phòng 5,7 tỷ; khoản đầu tư này thậm chi cao hơn nhiều doanh thu năm của công ty trong 7 năm qua. Những năm sau đó, giá trị gốc đầu tư của công ty lần lượt điều chỉnh giảm trước khi đi ngang quanh ngưỡng 20 - 30 tỷ đồng.

Đáng nói, chưa năm nào công ty báo lãi cho các khoản đầu tư này. Mức lỗ chứng khoán 11,7 tỷ đồng trong năm 2022 thậm chí trở thành mức kỷ lục của doanh nghiệp.

Chuyện của những doanh nghiệp

Trong cùng giai đoạn, lợi nhuận sau thuế của công ty chủ yếu biến động quanh ngưỡng lãi dưới 3 tỷ và lỗ dưới 2,5 tỷ đồng.

CTCP Licogi 14 (Mã L14 - HNX) - doanh nghiệp nơi ông Nguyễn Mạnh Tuấn (thầy A7) đang đảm nhiệm vai trò Thành viên HĐQT - công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với doanh thu 31 tỷ đồng - tăng 72% YoY; lãi sau thuế giảm 64% về 3,2 tỷ.

Công ty cho biết Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm mạnh, Licogi 14 cho biết các lĩnh vực kinh doanh của công ty đều gặp khó khăn. Đặc biệt là mảng kinh doanh bất động sản khi không ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong quý.

Đối với đầu tư tài chính, bất ngờ đã diễn ra khi công ty không còn bất kỳ khoản đầu tư nào trong khi cuối năm 2022 vẫn ghi nhận giá trị 14,2 tỷ.

Trước đó năm 2021, L14 từng chi tới 486 tỷ đồng cho việc đầu tư cổ phiếu tập trung tại các mã CEO - DIG. Năm này, công ty bất ngờ báo lãi sau thuế tăng hơn 10 lần năm 2020 - đạt gần 372 tỷ. Tuy nhiên sang năm 2022, thị trường chứng khoán lao dốc, cổ phiếu CEO - DIG cũng bốc hơi trên 60% giá trị khiến lợi nhuận của Licogi 14 "teo tóp" trở lại còn 19 tỷ.

Được biết năm 2023, Licogi 14 đặt mục tiêu doanh thu 195 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 25 tỷ đồng. Công ty cũng cho biết sẽ cân nhắc một phần vốn đầu tư vào một số mã chứng khoán có tiềm lực, có nền tảng tài chính tốt, uy tín trên thị trường và xác định thời điểm chốt lời để đạt được một phần lợi nhuận trong quý 1/2023.

Chuyện của những doanh nghiệp
Cổ phiếu L14 hồi đầu năm 2022 từng là mã có giá cao nhất toàn thị trường chứng khoán

Một doanh nghiệp khác là Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí - Petrosetco (Mã PET - HOSE) cũng là "nạn nhân" trong cuộc chơi tay ngang - đầu tư chứng khoán - năm 2022.

Thực tế, Petrosetco đã kết thúc năm 2022 với doanh thu tăng nhẹ lên mức 17.665 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm một nửa so với cùng kỳ còn 168 tỷ đồng - cách xa so với kế hoạch lợi nhuận 336 tỷ đã đặt ra.

Đáng nói, sự lao dốc của lợi nhuận không đến từ việc kinh doanh mảng chính mà đến từ cuộc dạo chơi chứng khoán đầy may rủi và bất trắc.

Trong khi đó, tại báo cáo hợp nhất năm, khoản lỗ chứng khoán thậm chí ghi nhận mức 247,4 tỷ đồng trong khi năm 2021 chỉ lỗ gần 5,1 tỷ. Và... với việc "nướng tiền" vào danh mục chứng khoán và phải ngậm ngùi cắt lỗ, lợi nhuận tài chính của Petrosetco chuyển âm trở lại tới 270 tỷ đồng trong năm 2022 trong khi năm trước đó lãi hơn 9,1 tỷ. Cần nhấn mạnh rằng, các khoản lỗ những năm về trước của PET chủ yếu đến từ áp lực trả lãi vay.

Chuyện của những doanh nghiệp

Trở lại câu chuyện kinh doanh hiện tại, dù công ty chưa công bố kết quả kinh doanh quý 1 năm nay song sau 2 tháng đầu năm, Petrosetco ghi nhận doanh thu 2.774 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 37 tỷ, lần lượt giảm 3,6% và 50% so với cùng kỳ năm trước.

Ghi nhận tại Biên bản họp ĐHCĐ thường niên 2023 cách đây ít ngày, CTCP Công viên nước Đầm Sen (Mã DSN - HOSE)lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 210 tỷ đồng và mức cổ tức tối thiểu 24%/vốn điều lệ. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cụ thể không được nhắc đến tại biên bản họp.

Tại Đại hội, nhà đầu tư Trần Thanh Hải (cổ đông lâu năm) đề nghị công ty đầu tư chứng khoán để gia tăng quyền lợi (cổ tức) cho cổ đông.

Phản hồi về ý kiến này, Chủ tịch HĐQT Trần Việt Anh cho biết:, "Mua cổ phiếu sẽ có một mức độ rủi ro nhất định. Với nguyên tắc công ty chúng ta là công ty đầu tư về lĩnh vực vui chơi giải trí, chúng tôi không khuyến khích việc dùng tiền đi đầu tư chứng khoán vì nếu không mất thì thôi mà mất là sẽ mất hết. Chỉ tận dụng dòng tiền nhàn rỗi và thật sự có cơ hội rõ ràng thì chúng ta mới đầu tư, không nên mạo hiểm.

Chuyện của những doanh nghiệp
Với các động lực từ đầu tư công, Trung Quốc đang dần loại bỏ chiến dịch “zero-Covid” góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, du lịch và lĩnh vực sản xuất; hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tươi sáng hơn vào nửa cuối 2023, trong khi nguồn vốn FDI vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong trung và dài hạn… ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đưa ra ba kịch bản cho thị trường chứng khoán trong năm 2023.
Theo đó, kịch bản cơ sở (có xác suất cao) - chỉ số đạt 1.258 điểm trong năm 2023 - tăng 24,9% so với phiên 30/12/2022; kịch bản bi quan - VN-Index giảm điểm, dao động quanh ngưỡng 1.000; kịch bản lạc quan - chỉ số đạt 1.405 điểm khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) “quay xe” trong việc điều hành lãi suất cuối năm nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế lạm phát.
“Kịch bản cơ sở là kịch bản xảy ra có xác suất cao nhất. Tuy nhiên, theo phân tích mô hình dự phóng của chúng tôi, kịch bản bi quan có xảy ra thì chỉ số VN-Index cũng có thể sẽ không giảm mạnh trong năm 2023 và vẫn biến động quanh mức 1.000 điểm”, chuyên gia của YSVN nhận định.
Trong bối cảnh thị trường đang chưa thể vượt vùng cản 1.080 - 1.100 điểm, câu chuyện VN-Index có thể tiến lên các mức cao hơn trong quý 2 và năm 2023 vẫn là chưa chắc chắn. Theo đó, "cuộc chơi chứng khoán" của những doanh nghiệp tay ngang sẽ chưa thể hết rủi ro.

Thị trường 9 triệu tài khoản, sao VN-Index quẩn quanh mốc 1.200 điểm?

Nhận định chứng khoán 25-29/11: VN-Index rung lắc tại 1.230 điểm

Bài thuộc chủ đề Xây dựng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-tay-ngang-ngay-ay-l14-bo-choi-chung-khoan-pet-vhc-tlh-cmc-chay-danh-muc-179884.html&link=2
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp "tay ngang" ngày ấy: L14 "bỏ chơi" chứng khoán, PET, VHC, TLH, CMC "cháy" danh mục
    POWERED BY ONECMS & INTECH