Lãi vay trung bình từ các khoản tín dụng đen khoảng 46,5%/năm, cao gấp 5,5 lần so với lãi vay trung bình từ các ngân hàng.
Trong báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có tới 12,5% số doanh nghiệp tìm đến các nguồn tín dụng đen với mức lãi suất trung bình là 46,5%, cao gấp khoảng 5,5 lần so với lãi suất trung bình năm của các khoản vay từ ngân hàng. Trong khi đó, con số này năm 2021 chỉ là 4%.
Cũng theo báo cáo PCI 2022, có tới 75,5% doanh nghiệp vay mượn từ người thân, bạn bè, tăng đáng kể so với con số 51% từng ghi nhận trong năm trước đó. Có 24,3% doanh nghiệp tìm tới các nguồn khác như huy động từ cổ đông, vay từ doanh nghiệp khác hoặc cầm cố, bán tài sản của doanh nghiệp.
Còn tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân là 21%. Khoảng 10,9% doanh nghiệp vay cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức trong năm 2022.
Theo VCCI, dù Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ 2% lãi vay ngân hàng thương mại, quy mô gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, để giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (có khả năng trả nợ) vay vốn phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19 trong hai năm 2022 - 2023 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không vay được vốn trong năm qua.
Việc khó đáp ứng điều kiện cho vay là rào cản chính khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa như kỳ vọng. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay và các ngân hàng thương mại, tiêu chí “có khả năng phục hồi” nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Có tới 74,8% doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Bên cạnh đó, cũng có 12,3% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục; 5,6% doanh nghiệp cho biết thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Con số khảo sát của VCCI trùng hợp với số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây. Tính đến hết tháng 2/2023, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất 2% đạt hơn 84.000 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vay chỉ đạt khoảng 256 tỷ đồng, rất nhỏ so với nguồn lực hỗ trợ được Chính phủ đưa ra trong Chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023.
Phản ánh thực tế từ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cho thấy dù nhiều doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng họ cũng không chắc chắn doanh nghiệp mình đáp ứng tiêu chí “có khả năng phục hồi”.
Lý do là để có thể đáp ứng tiêu chí này thì nhiều chỉ số kinh doanh như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, triển vọng thị trường đều phải tích cực. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và áp lực lạm phát lớn thì việc đo lường các chỉ tiêu này và chứng minh đáp ứng được yêu cầu đủ để nhận hỗ trợ là một thách thức lớn.
Doanh nghiệp tại Cần Thơ thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 300 triệu đồng/người
Xây dựng tuyến cáp ngầm 77,7km đưa điện ra Côn Đảo: Doanh nghiệp nào đủ sức đảm nhận?