Người Việt thế hệ 8x trở về trước không thể quên được những viên pin Con Thỏ, Con Ó với những ấn tượng không thể phai.
Nhắc đến từ khoá “doanh nghiệp vang bóng một thời” thường là nhắc tới các doanh nghiệp sở hữu những thương hiệu “đi cùng năm tháng”, ăn sâu vào tiềm thức Người Việt Nam những năm trước đó. Trong số những doanh nghiệp đó, rất nhiều vẫn còn tồn tại, âm thầm phát triển để giữ nguyên giá trị một thương hiệu Việt, có một số đã dần đi vào dĩ vãng.
Trong ngành sản xuất pin, chắc chắn người Việt nào thế hệ 8x trở về trước không thể quên được những viên pin Con Thỏ, những viên pin Con Ó với những ấn tượng không thể phai.
Ví dụ như, với những cô cậu bé học sinh thế hệ 8x về trước, việc lưu giữ những viên pin dùng xong, cùng đoạn thân chuối, lên trường trong phiên trực nhật để “lau bảng đen” đã đeo đẳng suốt những năm học trò.
Những doanh nghiệp “đi cùng năm tháng” này đang làm ăn ra sao?
Nếu nhắc đến pin, cả 2 chủ sở hữu thương hiệu Pin Con Thỏ và Pin Con Ó đều đã đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán. Và may mắn thay, cả 2 đều đang sống tốt, kinh doanh có lãi đều đặn hàng năm bất chấp sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng pin ngoại.
Pinaco - bắt kịp thời đại, phát triển mạnh mẽ
CTCP Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco – mã chứng khoán PAC) là cái tên gắn liền với với thương hiệu pin Con Ó và nhãn hiệu ắc quy Đồng Nai. Con ó gắn liền với biểu tượng của một loài chim săn mồi, ăn cá, loài chim này có kích thước lớn, gần giống như Đại bàng. Biểu tượng con Ó trên viên pin của Pinaco mang ý nghĩa nhanh, mạnh, bền bỉ như chính loại chim săn mồi này.
Pinaco thành lập từ tháng 4/1976 trên cơ sở quốc hữu hoá toàn bộ các nhà máy pin miền nam: Pin con Ó, Pin con Mèo, pin Hột Xoàn, nhà máy bình điện VABCO và nhà máy bình điện VIDECO. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 10/2004 và đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 12/2006.
Pinaco đã nhanh chóng “bắt kịp thời đại”, liên tục đầu tư đổi mới công nghệ, thay thế dần công nghệ sản xuất cũ. Các sản phẩm tiêu biểu của công ty hiện nay đạt tiêu chuẩn hàng đầu với công nghệ được chuyển giao từ Châu Âu, Nhật bản, sản xuất trên dây chuyền thiết bị tiên tiến của Áo, Mỹ, Đức, Anh, ý… và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của khách hàng, đặc biệt cả các hãng lắp ráp ô tô hàng đầu.
Chính sách phát triển, Pinaco dự kiến khẩn trương triển khai phương án đầu tư trung hạn, chuẩn bị tốt dữ liệu và các yêu cầu về công nghệ nhằm tận dụng tối đa kinh nghiệm của các chuyên gia để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đồng thời tìm đối tác để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Lithium…
Về kết quả kinh doanh, doanh thu 4 năm trở lại đây của Pinaco đều đạt trên 3.000 tỷ đồng. Doanh thu công ty phần lớn từ bán pin và ắc quy. Lợi nhuận sau thuế thu được từ 2016 đến nay đều trên trăm tỷ, trong đó năm 2016 lãi kỷ lục 188 tỷ đồng; các năm 2018, 2019 và 2021 cũng lãi không thấp đạt từ 167 đến 174 tỷ đồng. Chỉ có các năm 2017 và 2020 lãi thấp hơn đạt lần lượt 136 và 149 tỷ đồng. Chỉ số EPS đạt được hàng năm cũng rất cao.
Còn 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu công ty đạt 1.874 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18,4% lên trên 96 tỷ đồng. Những dấu hiệu tích cực này có thể đang “đánh dấu” một năm bội thu cho Pinaco.
Tính đến 30/6/2022 tổng tài sản công ty đạt gần 3.000 tỷ đồng - tăng 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm trong đó tài sản ngắn hạn đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho đạt hơn 880 tỷ đồng, tăng 210 tỷ đồng so với đầu năm.
Tuy vậy tổng nợ phải trả cũng tăng 470 tỷ đồng so với đầu năm, lên 2.083 tỷ đồng trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.486 tỷ đồng (tăng 346 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn giảm được 10 tỷ đồng về mức 57 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, ngoài Tập đoàn hoá Chất Việt Nam đang sở hữu 51% vốn điều lệ, thì số còn lại do 4 cổ đông lớn và các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ trong đó có hãng pin Nhật Furukawa Battery Co.Ltd sở hữu 10,54% vốn điều lệ.
Pin Con Thỏ - âm thầm tồn tại
CTCP Pin Hà Nội (mã chứng khoán PHN) được biết đến là chủ sở hữu thương hiệu Pin Con Thỏ nổi tiếng với biểu tượng là con thỏ đang vung chân tạo bước chạy dài.
Tiền thân là Nhà máy pin Văn Điển được thành lập từ năm 1960, Pin Con Thỏ có lịch sử phát triển lâu đời hơn so với cả Pin Con Ó. Thời điểm đó công ty chuyên cung cấp các loại pin truyền thống phục vụ quốc phòng dân sinh với nhãn hiệu Con Thỏ.
“Mốc” lịch sử trùng nhau là năm 2004 cả 2 doanh nghiệp ngành pin này cùng chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần nhưng thời điểm đưa cổ phiếu lên sàn của Pin Hà Nội lại sau Pinaco rất lâu, đến tháng 3/2019 cổ phiếu PHN mới chính thức giao dịch phiên đầu tiên.
Cũng như Pinaco, Pin Hà Nội có đối tác chiến lược nước ngoài. Cổ đông chiến lược của Pin Con Thỏ là Công ty TNHH Pin Quốc tế GP Singapore (GPBI) thuộc tập đoàn pin GP. Thị trường chính của công ty là các tỉnh miền bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Công ty, cũng có sản lượng xuất khẩu ổn định qua các thị trường Lào, Campuchia, và thông qua cổ đông chiến lược để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Ấn độ, Đông Âu, Trung Á, Châu Phi, Nam Phi, Mỹ… và là nhà phân phối độc quyền của GPBI tại Việt Nam từ 2019 đến nay.
Về quy mô doanh nghiệp, vốn điều lệ của Pin Hà Nội đạt gần 72,54 tỷ đồng. Mục tiêu hoạt động SXKD cũng khác xa với doanh nghiệp pin cùng ngành. Báo cáo thường niên năm 2021 định hướng công ty tập trung cho các sản phẩm pin carbon zinc để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.
Cũng kinh doanh đều đặn nhưng doanh thu hàng năm của Pin Con Thỏ chỉ dừng lại ở ngưỡng 300-370 tỷ đồng mỗi năm trong 6 năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế đạt mức đều đặn hàng chục tỷ đồng, trong đó 3 năm gần đây nhất, năm 2019 lãi 21 tỷ đồng, năm 2020 lãi 39 tỷ đồng và năm 2021 lãi sau thuế 30 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2022 doanh thu công ty đạt 206 tỷ đồng và báo lãi sau thuế 17 tỷ đồng.
Vẫn âm thầm tồn tại, vẫn duy trì kinh doanh có lãi, sản phẩm Pin Con Thỏ vẫn hiện diện trên thị trường như một lời nhắc nhở đến lịch sử. Dù hiện tại nhiều nhãn hiệu pin ngoại chen vào cạnh tranh, nhưng đâu đó khi mua những viên pin, người Việt thế hệ trước bất chợt nhìn thấy hình ảnh con Thỏ trên viên pin vẫn nhớ về những hồi ức xưa.
Vẫn còn một doanh nghiệp ngành Pin ít được nhắc tới
Trên thực tế, nếu nói về các doanh nghiệp pin thì chỉ có 2 doanh nghiệp lâu đời sở hữu thương hiệu Pin Con Thỏ và Pin Con Ó. Còn nói về pin, ắc quy nói chung sẽ còn sự hiện diện của Ắc quy Tia Sáng (mã chứng khoán TSB) – tiền thân là nhà máy ắc quy tam Bạc, thành lập năm 1960. Công ty chuyên về sản xuất các loại ắc quy chì-axits với các dòng sản phẩm ắc quy tích điện khô, ắc quy dân dụng, ắc quy khởi động tích điện khô, ắc quy công nghiệp kín khí… với thương hiệu nhận diện là hình tia sét với chữ viết tắt thông dụng trên sản phẩm là TS.
Ắc quy Tia Sáng ít được hiện diện trong cuộc sống hàng ngày vì đặc thù pin của công ty phần lớn hiện diện trong những gia đình có phương tiện xe máy.
Hiện tại Ắc quy Tia Sáng có vốn điều lệ hơn 67,45 tỷ đồng, và cũng đã đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HNX từ tháng 1/2011.
Ắc quy Tia sáng cũng kinh doanh có lãi hàng năm, tuy vậy số lãi không nhiều, dao động từ 2-6 tỷ đồng trong vòng 6-7 trở lại đây, ngoai trừ năm 2014 lãi lớn hơn 22 tỷ đồng nhờ khoản thu nhập khác từ thanh lý tài sản cố định.
Diễn biến giá cổ phiếu
Diễn biến trên thị trường, 3 cổ phiếu ngành ắc quy này thì chỉ mỗi PAC của Pinaco có thanh khoản. Còn lại TSB và PHN hầu như không có thanh khoản.
Dù thị trường chứng khoán thời gian qua chứng kiến khá nhiều biến động, tuy vậy cổ phiếu PAC vẫn duy trì được vùng thị giá cao, hiện giao dịch quanh mức 35.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá doanh nghiệp rơi vào khoảng 1.600 tỷ đồng.