Nền kinh tế sẽ có thêm nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào với chi phí hợp lý hơn nhờ việc doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tận dụng FTA để nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giá tốt
Không chỉ tận dụng các FTA khi xuất khẩu hàng hóa, mà với nhập khẩu, doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội về nguồn cung nguyên liệu giá rẻ nhờ tận dụng biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Đây là thông tin chia sẻ tại Tọa đàm Tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế xuất nhập khẩu trong các FTA để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do Tạp chí Hải quan vừa tổ chức.
Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế. Mới đây, Chính phủ đã ký ban hành 15 nghị định quy định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện các hiệp định thương mại, hiệp định đối tác kinh tế.
Việc ban hành các nghị định trên nhằm thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam triển khai Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022 và thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2022-2027. Các nghị định này có hiệu lực từ ngày 30/12/2022 và thay thế các nghị định cho giai đoạn 2018-2022.
Việt Nam đẩy mạnh mở cửa với các nền kinh tế, nhất là giai đoạn 2018-2022 khi nhiều FTA thế hệ mới đi vào thực thi (EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP), từ đó giúp mở rộng thị trường, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu, lượng hàng hóa được thông quan lớn hơn, cùng đó, một lượng hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường có FTA, được ưu đãi thuế quan đã được các doanh nghiệp khai theo biểu thuế để hưởng ưu đãi.
Từ góc độ các chỉ số kinh tế vĩ mô đã cho thấy điều này, cả một giai đoạn dài, xuất nhập khẩu đã tăng trưởng mạnh mẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) thông tin, qua theo dõi của VCCI, quá trình thực hiện ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp thời gian qua khá suôn sẻ, không có phản hồi vướng mắc gì nhiều, do phần lớn các FTA đã áp dụng được một thời gian dài. Riêng giai đoạn 2018-2022 có thêm loạt FTA thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP, RCEP, nhưng doanh nghiệp đều thích ứng rất nhanh.
Tuy nhiên, một hạn chế được bà Trang chỉ ra là tỷ lệ tận dụng đối với một số FTA rất thấp, nhất là FTA giữa ASEAN với Australia, New Zealand (AANZFTA) chỉ có 6%, FTA ASEAN - Ấn Độ là 2%, FTA với Nhật Bản là 5%.
“Cần thúc đẩy tận dụng tối đa ưu đãi khi nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, bà Trang nhấn mạnh.
Thương mại là một trong 3 trụ cột tăng trưởng chính của nền kinh tế. Giai đoạn 2020-2022, xuất nhập khẩu toàn nền kinh tế liên tiếp lập kỷ lục, xuất siêu tăng, dù chịu tác động không nhỏ của đại dịch. Kết thúc năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 730 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 372 tỷ USD, nhập khẩu hơn 360 tỷ USD. Với khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu có trị giá lớn, doanh nghiệp tăng áp dụng các biểu thuế ưu đãi theo cam kết mở cửa của Việt Nam với từng thị trường trong mỗi FTA sẽ giúp tiết kiệm được lượng ngoại tệ không nhỏ.
Doanh nghiệp cần chủ động hơn
Để tận dụng được lộ trình giảm thuế trong các FTA, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu cam kết thuế theo từng FTA.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của việc tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế nhập khẩu của các hiệp định FTA là vấn đề nhận thức, năng lực tiếp cận thông tin và năng lực phân tích thông tin của các đối tượng có khả năng thu lợi.
Thực tế này cũng được VCCI chỉ ra rằng, doanh nghiệp Việt đã sử dụng rất ít biểu thuế của một số FTA so với mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN). Không ít doanh nghiệp thừa nhận, họ không biết là được ưu đãi về thuế, nên không chuẩn bị giấy tờ, thủ tục. Một nhóm doanh nghiệp khác lại cho biết, không biết phải bắt đầu từ đâu để có được các điều kiện để hưởng ưu đãi.
Do đó, sau khi xác định được phân loại hàng hóa theo hệ thống HS của Việt Nam, doanh nghiệp nhập khẩu có thể biết được mức thuế nhập khẩu áp dụng cho loại hàng hóa đó để có căn cứ chuẩn bị thủ tục và điều kiện để hưởng ưu đãi.
Trong trường hợp thuế theo FTA cao hơn mức thuế MFN, doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng thuế MFN để có được mức thuế suất tốt nhất, có lợi cho mình nhất.
Các nước Đông Nam Á đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Thủ tướng: Tháo gỡ điểm nghẽn, đưa hợp tác kinh tế Việt Nam - Brazil phát triển xứng tầm