Vĩ mô

PGS.TS Trần Đình Thiên: Việt Nam ký hàng loạt FTA, nhưng làm sao để doanh nghiệp nội địa hưởng lợi thay vì nước ngoài

Minh Anh 06/07/2025 11:02

Việt Nam ký nhiều FTA, mở ra cơ hội lớn để vươn ra thế giới. Nhưng nghịch lý là trong khi ta chưa kịp lớn mạnh để tận dụng cơ hội đó, thì doanh nghiệp FDI đã tràn vào, biến Việt Nam thành điểm sáng thu hút đầu tư.

Chia sẻ tại Diễn đàn "Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới", mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, trong quá trình phát triển, nền kinh tế Việt Nam đạt nhiều thành tựu đáng kể, nhưng song hành cùng đó là những nghịch lý cần được nhìn nhận thẳng thắn để có giải pháp thực chất.

Đưa ra ví dụ cho nghịch lý này, ông Thiên chỉ ra: Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở thương mại thuộc hàng cao nhất thế giới. Chỉ trong vòng ba thập kỷ, chúng ta đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn – từ CPTPP, EVFTA đến RCEP.

Có thể nói Việt Nam là hình mẫu trong việc mở cửa, cam kết sâu rộng và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân lại không phải là lực lượng hưởng lợi lớn nhất từ các hiệp định ấy.

"Ngược lại, dòng vốn FDI mới là nhóm tận dụng triệt để cơ hội mà chúng ta đã tạo ra. Họ “đổ bộ” vào Việt Nam, biến đất nước ta thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài. Còn doanh nghiệp nội địa thì vẫn loay hoay, bị bỏ lại phía sau", ông Thiên nhận định.

PGS.TS Trần Đình Thiên lý giải, dù Việt Nam ký hàng loạt FTA, nhưng khu vực tư nhân đa phần quy mô nhỏ, thiếu năng lực quản trị, hạn chế về công nghệ, thông tin và kết nối, vẫn loay hoay với thủ tục, rào cản nội tại, và mắc kẹt trong chính sân nhà.

"Những chủ thể đáng lẽ phải là lực lượng xung kích đi ra thế giới, lại không được bồi dưỡng, nâng cấp để tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại", ông cho hay.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Việt Nam ký hàng loạt FTA, nhưng để doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi là chính
PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh. Hoàng Anh.

>>> PGS.TS. Trần Đình Thiên: Nền kinh tế hiện đang khó khăn, sự trông đợi lúc này đặt vào đầu tư công

Một nghịch lý khác được ông Thiên chỉ ra, “đầu tàu” chạy chậm hơn “toa tàu”. Cả vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM từng có hàng chục năm tăng trưởng hơn nhiều vùng khác, đáng lẽ được coi đầu tàu thế mà tăng trưởng chậm hơn. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt kết nối cho vùng này kém hơn so với đồng bằng Bắc Bộ, dẫn đến sự tụt hạng vai trò. Câu hỏi đặt ra: Tại sao một cực tăng trưởng chiến lược lại bị “bỏ quên”?

Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu nhưng lại khó lớn mạnh do môi trường kinh doanh nhiều rào cản, chi phí cao và thiếu hỗ trợ dài hạn. “Lãi suất mười mấy phần trăm suốt nhiều năm, cộng thủ tục rườm rà khiến doanh nghiệp chỉ cầm cự, không thể bứt phá”.

Ông cũng cảnh báo sự khốc liệt của thị trường nhà ở xã hội – vốn nên là điểm tựa cho người thu nhập thấp nhưng vẫn chưa phát triển đúng vai. “Nếu nhà ở xã hội đủ mạnh, liệu có tạo ra áp lực điều tiết tích cực cho nhà ở thương mại không?”, ông đặt vấn đề.

Thoát khỏi 'cái bóng của chính mình'

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, vấn đề không chỉ là tốc độ, mà là chất lượng tăng trưởng. Ông đánh giá cao cách đặt vấn đề nghiêm túc: “Điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế”. Chính sự thừa nhận thẳng thắn này, đã mở ra niềm tin vào một cuộc cải cách thực chất, tạo tiền đề cho những chuyển biến đột phá.

Vị chuyên gia chỉ rõ, Việt Nam đang đối diện với ba khát vọng trọng yếu: Vượt đẳng cấp chính mình, tranh đua toàn cầu, và tăng trưởng vượt bậc với mục tiêu tăng trưởng hai con số không chỉ một lần, mà duy trì bền vững.

Muốn vậy, logic hành động không còn là “ưu đãi, xin – cho” mà là bình đẳng, tự do, và không phân biệt đối xử.

“Chúng ta phải tự đục chính mình để thoát khỏi chính mình, chứ không thể tiếp tục cải cách nửa vời. Cải cách thể chế phải đi đến tận cùng – nghĩa là trao quyền thật, tạo điều kiện thật để lực lượng xã hội phát triển lành mạnh, tự nhiên", ông nhấn mạnh.

Với PGS.TS Trần Đình Thiên, thay đổi động lực phát triển là yêu cầu sống còn. Không còn là lao động giá rẻ, tài nguyên thô. Mà là nguồn nhân lực sáng tạo, kết hợp giữa trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo (AI).

“Nếu làm được, sức mạnh nhân lực sống của ta sẽ tăng lên hàng chục lần. Các doanh nghiệp hãy hành động theo tinh thần ấy, nhất là các nhà quản trị", ông nhấn mạnh.

>>>PGS.TS Trần Đình Thiên: Không còn là xu hướng, chung cư hướng biển sẽ là tương lai bất động sản Đà Nẵng

TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ ra mặt trái công nghiệp FDI: Xuất khẩu 400 tỷ USD nhưng Việt Nam chỉ giữ lại 17 tỷ

Bộ Tài chính: Nhiều doanh nghiệp FDI đăng ký vốn đầu tư hàng tỷ USD nhưng chủ yếu đi vay để chuyển giá, trốn thuế

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pgsts-tran-dinh-thien-viet-nam-ky-hang-loat-fta-nhung-de-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-huong-loi-la-chinh-295445.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    PGS.TS Trần Đình Thiên: Việt Nam ký hàng loạt FTA, nhưng làm sao để doanh nghiệp nội địa hưởng lợi thay vì nước ngoài
    POWERED BY ONECMS & INTECH