Trong quý II năm nay, dù ghi nhận doanh thu hơn 718 tỷ đồng nhưng VVN lại báo lỗ tới hơn 20 tỷ. Đáng chú ý, đây là quý thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp xây dựng này phải báo lỗ.
Theo Báo cáo tài chính quý II/2022 mới được Tổng CTCP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon-Mã chứng khoán: VVN) công bố, trong quý này doanh thu đạt 718 tỷ đồng - giảm 35% so với quý II/2021. Trong đó doanh thu chủ yếu đến từ bán thành phẩm, hàng hóa khi đạt 374 tỷ đồng (chiếm 48% tổng doanh thu) nhưng vẫn giảm gần 40% so với quý này năm trước; doanh thu từ hoạt động xây lắp, tư vấn và thiết kế giảm 21% xuống còn 270 tỷ đồng. Giá vốn ghi nhận 690 tỷ đồng - giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, lợi nhuận gộp quý II của VVN giảm gần 61% xuống chỉ còn 29 tỷ đồng.
Trong quý, doanh thu tài chính đạt gần 47 tỷ đồng - gấp 36 lần so với quý II năm trước (chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá). Tuy nhiên, công ty không có "lãi" từ hoạt động tài chính khi mà chi phí tài chính cũng khoảng gần 48 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt giảm mạnh 44% và 27% - tương đương xuống còn 5 tỷ đồng và 47 tỷ đồng và nhờ sự tiết giảm chi phí này nên VVN báo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ âm 25 tỷ đồng, giảm lỗ được gần một nửa so với quý II/2021.
Quý II/2022, VVN báo lỗ gần 20 tỷ đồng - tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, đây là quý thứ 2 liên tiếp VVN báo lợi nhuận “đi lùi”.
Phía doanh nghiệp cho biết nguyên nhân là do tình hình sản xuất kinh doanh vẫn chịu ảnh hưởng từ đại dịch dẫn tới doanh thu và lợi nhuận 2 quý đầu năm đồng loạt giảm sâu, đặc biệt là Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn - một trong những công ty con của VVN đã báo lỗ hơn 19,4 tỷ đồng trong quý II.
EPS quý này của công ty là âm 355 đồng/cổ phiếu, tăng 60% so với quý II/2021.
Bán niên 2022, tổng doanh thu của VVN giảm hơn 34% xuống chỉ còn 1.337 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt báo lỗ 70 tỷ đồng và 74 tỷ đồng (trong đó Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn lỗ 82 tỷ đồng). EPS ghi nhận âm 1.344 đồng/cổ phiếu.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ vẫn âm 1.751 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền đến cuối kỳ giảm xuống còn 126 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6, hàng tồn kho của VVN đang có xu hướng tăng so với đầu kỳ khi ghi nhận 938 tỷ đồng, trong đó gần 7 tỷ đồng là dự phòng.
Trong năm 2022, VVN đặt mục tiêu mang về tổng doanh thu 3653,45 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là âm 107,12 tỷ với hơn 140 tỷ là lỗ của Xi măng Quang Sơn. Tuy nhiên với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, VVN mới chỉ đạt được gần 37% kế hoạch doanh thu, trong khi lợi nhuận sau thuế đã đạt 69% kế hoạch đã đề ra.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 29/7, giá cổ phiếu VVN tăng trần và đạt mức 7.900 đồng/cổ phiếu - tương đương tăng 14% so với phiên trước đó.