Doanh thu ngành xuất bản đạt kỷ lục 8.700 tỷ đồng: Sách nói và điện tử dẫn đầu tăng trưởng
Doanh thu từ thị trường sách nói đạt 102 tỷ đồng, với số lượt nghe tăng tới 200% so với năm trước.
Ngành xuất bản Việt Nam trong năm 2024 đã ghi nhận những kết quả nổi bật, với doanh thu ước đạt 8.700 tỷ đồng, theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Dù số lượng xuất bản phẩm in giảm nhẹ, xuất bản phẩm điện tử và sách nói lại tăng trưởng đột phá, mở ra những cơ hội mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2024, số lượng xuất bản phẩm điện tử đạt khoảng 4.050 đầu sách, tăng 120,7% so với năm 2023. Điều này nâng tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử lên 8,9% tổng số xuất bản phẩm, vượt mức chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, doanh thu từ thị trường sách nói đạt 102 tỷ đồng, với số lượt nghe tăng tới 200% so với năm trước.
Cùng với đó, hoạt động kinh doanh xuất bản truyền thống vẫn giữ được sự ổn định, dù số lượng đầu sách in giảm 2,97% so với cùng kỳ năm 2023, còn khoảng 41.000 đầu sách. Ông Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, nhấn mạnh rằng các nhà xuất bản đã nỗ lực vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy chủ trì hội nghị. Ảnh: Báo VietNamNet |
>> Sách lậu tràn ngập sàn TMĐT, 'Đắc Nhân Tâm' làm quà Tết giá rẻ hơn bát phở
Phát biểu tại Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho rằng, ngành xuất bản đang đứng trước dư địa phát triển lớn nhờ chuyển đổi số và các loại hình xuất bản phẩm ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, ngành cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, đặc biệt là trong xuất bản điện tử, bán sách online và quản lý biên tập bằng công nghệ hiện đại.
Ông Phan Tâm cũng đề nghị ngành xuất bản chuẩn bị cho năm 2025 với tinh thần "tiến công", tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách và tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng tốc đổi mới sáng tạo.
Kết luận hội nghị, ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định ngành xuất bản cần tiếp tục giữ vai trò là “bà đỡ” cho những tác phẩm và công trình khoa học mang tính tiên phong. Quy hoạch ngành theo hướng tinh gọn, hiện đại hóa và tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao sẽ là trọng tâm trong giai đoạn tới.
Đồng thời, các nhà xuất bản cần sáng tạo trong cách tiếp cận độc giả, đổi mới hình thức xuất bản phẩm để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Các ấn phẩm không chỉ phục vụ tuyên truyền hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn góp phần xây dựng niềm tin và động lực phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 2024 đánh dấu những bước tiến rõ nét của ngành xuất bản Việt Nam, không chỉ ở doanh thu tăng trưởng mà còn ở sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ số. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để ngành tiếp tục phát triển, khai thác hiệu quả các cơ hội trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số toàn cầu.
>> 'Chiến binh' mới của Huawei đáp trả đanh thép các lệnh trừng phạt từ Mỹ
Hãng nào bán nhiều ô tô nhất thế giới năm 2024?
'Vua trái cây' lập kỷ lục, nông dân chia nhau hàng chục nghìn tỷ