Doanh thu xuất khẩu tháng 11 của Vĩnh Hoàn (VHC) giảm ở nhiều "mặt trận": Một tín hiệu đáng lo hiện hữu?

13-12-2022 22:44|Quốc Việt

Doanh thu xuất khẩu tháng 11 của VHC ghi nhận thấp thứ hai trong năm 2022 - chỉ sau tháng 1. Đây cũng là tháng duy nhất trong năm đánh dấu sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) vừa cập nhật kết quả kinh doanh tháng 11/2022 với doanh thu xuất khẩu đạt 893 tỷ đồng - giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 13% so với tháng 10.

Xét về cơ cấu doanh thu, cá tra - mảng đóng góp chính của VHC đạt đạt 480 tỷ đồng - giảm 22% so với cùng kỳ và là tháng đầu tiên đi lùi kể từ đầu năm. Bên cạnh đó, doanh thu mảng bánh phồng tôm đạt 21 tỷ, giảm 66%.

Tuy nhiên, các sản phẩm khác đồng loạt báo doanh thu tăng trưởng hai chữ số. Cụ thể sản phẩm phụ tăng 16%, sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng 19%, sản phẩm hỗn hợp tăng 43%, bún và bánh gạo tăng 29%.

Trong tháng 11, hoạt động xuất khẩu có dấu hiệu khó khăn khi doanh thu từ thị trường chủ lực là Mỹ giảm 13% so với cùng kỳ về 361 tỷ đồng; châu Âu giảm 20% về 111 tỷ đồng; Trung Quốc giảm 60% về 63 tỷ đồng. Ngược lại, thị trường trong nước tăng 17% lên 230 tỷ đồng và các thị trường khác tăng 47% lên 129 tỷ đồng.

So với tháng 10, doanh thu từ thị trường Mỹ giảm 12%, thị trường châu Âu giảm 15%, thị trường Việt Nam giảm 14%, thị trường Trung Quốc tăng 11% và các thị trường khác giảm 21%.

Nếu so với các tháng từ đầu năm, doanh thu xuất khẩu tháng 11 ghi nhận thấp thứ hai trong năm, chỉ sau tháng 1. Đây cũng là tháng duy nhất trong năm đánh dấu sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

VASEP dự báo tháng 12 xuất khẩu thuỷ sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023. Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý 1 năm tới gần như đình trệ.

Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi…cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu cho quý tới.

Tuy nhiên, theo báo cáo chuyên đề: Trung Quốc “Reopening” mới phát hành, BSC kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau thời gian phong tỏa phòng chống dịch sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thủy sản nội địa, từ đó, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng được hưởng lợi là những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc: VHC, ANV, IDI.

BSC ước tính, tỷ trọng thị trường Trung Quốc trong cơ cấu doanh thu năm 2022 của VHC là 9% và ANV là 11%. Trong khi đó, năm 2019, Trung Quốc chiếm đến 20% cơ cấu thị trường xuất khẩu của VHC và 36% cơ cấu thị trường xuất khẩu của ANV.

SSI chỉ ra 3 yếu tố hỗ trợ TTCK tháng 12, ‘bất ngờ’ loại Hòa Phát (HPG) khỏi danh mục khuyến nghị

Lịch chốt trả cổ tức bằng tiền tuần từ 2-6/12, tâm điểm doanh nghiệp chi gần 1.500 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-thu-xuat-khau-thang-11-cua-vinh-hoan-vhc-giam-o-nhieu-mat-tran-mot-tin-hieu-dang-lo-hien-huu-162141.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh thu xuất khẩu tháng 11 của Vĩnh Hoàn (VHC) giảm ở nhiều "mặt trận": Một tín hiệu đáng lo hiện hữu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH