Độc lạ Bình Dương: Một doanh nghiệp lãi trăm tỷ mỗi năm vẫn quyết không chia cổ tức

12-06-2023 18:36|Quốc Trung

4 năm gần nhất, lãi ròng của PRT duy trì từ 200 - 430 tỷ đồng/năm. Đến cuối tháng 3/2023, công ty vẫn còn 813 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Tổng CTCP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Mã PRT - UPCoM) công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2023 dự kiến tổ chức ngày 30/6 tại TP. Thuận An (Bình Dương).

Tại Đại hội, công ty dự kiến trình kế hoạch doanh thu gần 1.426 tỷ đồng và lãi sau thuế 309 tỷ - lần lượt giảm 16% và 3% so với thực hiện năm 2022.

Độc lạ Bình Dương: Một doanh nghiệp lãi trăm tỷ mỗi năm vẫn quyết không chia cổ tức
Nguồn: Tài liệu ĐHCĐ thường niên 2023 của PRT

Kết thúc quý 1, Xuất nhập khẩu Bình Dương ghi nhận 196 tỷ đồng doanh thu và 264 triệu đồng lợi nhuận sau thuế.

Đáng nói, công ty dự kiến trình phương án không chia cổ tức năm 2023 (năm thứ 3 liên tiếp). Lần gần nhất cổ đông PRT được nhận cổ tức đã từ tháng 11/2021 (trả cổ tức bằng tiền năm 2020 tỷ lệ 3%).

Tổng CTCP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khu công nghiệp, có vốn điều lệ 4.052 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý Dự án Bình Dương hiện là công ty mẹ sở hữu gần 61% vốn.

4 năm gần nhất, lợi nhuận sau thuế của công ty luôn duy trì trên mức 200 tỷ đồng/năm. Thậm chí năm 2020, PRT mang về hơn 430 tỷ đồng lãi ròng.

Tại thời điểm 31/3/2023, lãi chưa phân phối của công ty vẫn còn 813 tỷ đồng.

Năm 2023, HĐQT Xuất nhập khẩu Bình Dương đặt mục tiêu đẩy nhanh và hoàn tất việc bàn giao các tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, đất đai; lập phương án thoái vốn tại các đơn vị kinh doanh không hiệu quả, không còn dư địa phát triển và đầu tư vào các ngành nghề chiến lược;...

Dù tình hình kinh doanh khả qua song doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu hơn 4.100 tỷ đồng này thường xuyên vướng các lùm xùm về thuế và chứng khoán thậm chí cả án hình sự.

Được biết, ngày 1/11/2021, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã ban hành thông báo đề nghị PRT nộp số tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, khu vực IV là hơn 286 tỷ đồng. Tới đầu tháng 1/2022, PRT đã tạm nộp số tiền gần 146 tỷ đồng, số tiền nộp chậm còn lại là hơn 140 tỷ đồng.

Ngày 28/12/2022, bản án hình sự phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội về việc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản đã tuyên PRT phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất với số tiền còn thiếu là hơn 761 tỷ đồng.

Ngày 10/4/2023, PRT nhận được thông báo của Cục Thi hành án Dân sự TP. Hà Nội về tiền lãi phát sinh chậm nộp tiền sử dụng đất bổ sung hơn 12 tỷ đồng.

2 nghĩa vụ này sau đó được công ty hoàn thành trong ngày 20/4/2023.

Cùng tại thời điểm giữa tháng 4, doanh nghiệp cũng bị UBCKNN xử phạt 90 triệu đồng sau các vi phạm công bố thông tin, không bổ nhiệm người phụ trách quản trị,...

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PRT kết phiên 12/6 tăng 3,8% lên mức 16.200 đồng/cp (có thời điểm tăng trần). Dù vậy, thanh khoản đến cuối phiên chỉ vỏn vẹn 700 đơn vị.

Tính từ thời điểm giữa tháng 11/2022, cổ phiếu PRT đã tăng 70% giá trị.

Trong diễn biến này, ông Nguyễn Văn Thiền - Thành viên HĐQT đã đăng ký bán toàn bộ 1,5 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận/khớp lệnh từ 13/6 - 11/7/2023.

405 triệu cổ phiếu PRT được "cởi trói" giao dịch ngay đầu năm mới 2023

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doc-la-binh-duong-mot-doanh-nghiep-lai-tram-ty-moi-nam-van-quyet-khong-chia-co-tuc-187430.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Độc lạ Bình Dương: Một doanh nghiệp lãi trăm tỷ mỗi năm vẫn quyết không chia cổ tức
    POWERED BY ONECMS & INTECH