Mối lo lắng của các nhà đầu tư đang chuyển từ lạm phát sang suy thoái kinh tế. Tương lai giá vàng liệu có vực dậy?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tới 7 lần trong năm nay nhằm kiềm chế mức lạm phát ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Nhiều khả năng Fed sẽ vẫn tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao để tập trung kiềm chế lạm phát cho nước Mỹ.
Sở dĩ giá vàng giảm xuống dưới 1.800 USD/oz trong tuần này do USD index đã phục hồi từ mức 103,5 điểm lên mức 104,2 điểm sau khi GDP quý 3 sửa đổi lần cuối của Mỹ bất ngờ tăng lên tới mức 3,2%, so với mức ước tính trước đó là 2,9%.
Trong khi chỉ số chi tiêu tiêu dùng (PCE) của Mỹ tháng 11 tiếp tục giảm xuống mức 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 5% được ghi nhận trong tháng 10. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ cũng đã liên tục sụt giảm từ mức 9,1% trong tháng 7 xuống tới 7,1% trong tháng 11.
Tất cả các số liệu kinh tế nói trên của Mỹ cho thấy kinh tế nước này đang trên đà phục hồi. Với đà phục hồi này, kinh tế Mỹ có thể sẽ thoát khỏi nguy cơ suy thoái trong năm 2023. Điều này chắc chắn sẽ thôi thúc FED tiếp tục giảm mức độ tăng lãi suất trong các kỳ họp sắp tới.
Chỉ một tuần nữa năm 2023 sẽ đến, kim loại quý này chỉ giảm hơn 1% từ đầu năm đến nay sau một năm đầy biến động. Có thời điểm, vàng tăng giá lên trên mốc 2.000 USD/ounce vào mùa xuân nhưng lại chạm mức thấp gần 1.630 USD/ounce vào mùa thu.
Đánh giá về thị trường vàng năm 2023, nhiều nhà phân tích khá lạc qua, có người còn tin vàng sẽ tăng mạnh.
Ông Brian Lan, Giám đốc điều hành (CEO) tại công ty môi giới giao dịch GoldSilver Central cho hay, vàng sẽ nhận được sự hỗ trợ lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chững lại đôi chút, điều có thể làm tăng dự đoán Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Trong khi đó, số liệu ngày 22/12 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của Mỹ đã tăng ít hơn dự kiến trong tuần trước. Ông Brian Lan cho hay, giá vàng sẽ ít biến động hơn trong năm 2023.
Năm qua, vàng trở thành một trong những tài sản sinh lời sau USD. Các nhà phân tích cho rằng, nhà đầu tư vàng cần vững vàng tâm lý trong năm 2023. Sang năm mới, giá vàng gặp khó ở đầu năm và tỏa sáng hơn vào cuối năm.
Áp lực với giá vàng vẫn là lập trường chính sách tiền tệ của Fed. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất, Fed dự báo lãi suất đạt đỉnh trên 5% vào năm 2023. Các nhà kinh tế lưu cho rằng, ngân hàng trung ương sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt. Điều này có thể tốt cho vàng.
Dù còn nhiều thách thức sau khi mở cửa dần trở lại, kinh tế Trung Quốc sẽ dần phục hồi, qua đó nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc- quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, sẽ tăng dần trở lại trong năm 2023.
Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, dự báo cũng sẽ tăng trưởng tới 5,9% trong năm 2023, qua đó sẽ thúc đẩy nhu cầu vàng vật chất ở quốc gia này. Ngoài ra, nhiều ngân hàng trung ương cũng đang đẩy mạnh mua vàng dự trữ. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng nhu cầu vàng vật chất sẽ quay trở lại hậu thuẫn cho đà tăng giá vàng trong năm 2023.
Giá vàng tuần tới sẽ tiếp tục điều chỉnh, củng cố. Đây sẽ là “bước đệm” vững chắc cho giá vàng bật tăng trong đầu năm mới. Giá vàng có nhiều khả năng sẽ quay trở lại mức 2.000 USD/oz trong năm 2023, nhất là khi FED ngừng tăng lãi suất.
Tại thị trường trong nước, Tập đoàn Vàng Bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 65,900 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,900 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 66,020 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66.830 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 66,150 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,970 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,000 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,850 triệu đồng/lượng (bán ra).
Nếu kim loại quý lên được 2.500 USD/ounce, tương đương vàng miếng SJC trong nước có thể lên 86,5 triệu đồng/lượng. Còn nếu giá vàng quốc tế lên đến 4.000 USD/ounce thì vàng miếng SJC có thể nhảy vọt lên đến 130 triệu đồng/lượng.