Đồng tiền đầu tiên của Việt Nam sau độc lập: Có 2 chữ ký, 4 ngôn ngữ, thường được gọi là 'Giấy bạc Cụ Hồ'

04-05-2024 15:09|Minh Nguyệt

Tại kỳ họp thứ Hai, họp vào tháng 11/1946, Quốc hội khoá I đã quyết định cho phát hành rộng rãi giấy bạc Việt Nam trong toàn quốc.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra và giành thắng lợi, Đất nước, dân tộc, nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, các thế lực thù địch không từ bỏ mưu đồ đen tối. Những khó khăn chồng chất những khó khăn, trong đó có sự trống rỗng về tài chính, tiền tệ đã đặt chính quyền cách mạng non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những ngày đầu mới ra đời vào một tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Trước tình thế đó, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng loạt chủ trương, sách lược kịp thời để cứu nguy dân tộc và bảo vệ Nhà nước Dân chủ nhân dân. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã cho phát hành giấy bạc Việt Nam, vừa làm vũ khí sắc bén đấu tranh có hiệu lực trên mặt trận kinh tế, tài chính, tiền tệ, vừa đảm bảo cung cấp cho nhu cầu chi tiêu to lớn và cần kíp của xã hội, chủ yếu là quốc phòng.

Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Bộ Tài chính tổ chức in, phát hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam. Ngày 15/11/1945, Cơ quan Ấn loát thuộc Bộ Tài chính được thành lập với nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đó là tập trung in Giấy bạc Tài chính (đồng bạc Cụ Hồ) cho Chính quyền cách mạng và phục vụ cho nhu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân.

Giấy bạc Cụ Hồ: Đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam sau ngày độc lập, được vẽ nên bởi những hoạ sĩ danh tiếng nhất bấy giờ
Tiền loại 100 đồng, Bộ Tài chính và ngân khố Trung ương phát hành sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. (Ảnh chụp HV BTLSQG)

Thực hiện nhiệm vụ vô cùng cấp bách, tháng 11/1945, đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã cho mời 4 họa sỹ danh tiếng thời ấy là Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Khanh, Nguyễn Huyến cùng các họa sỹ Nguyễn Sáng, Bùi Trang Chước, Lê Khả chia ra làm nhiều nhóm để tham gia vẽ mẫu tiền Giấy bạc Tài chính Việt Nam. Sau nhiều tháng làm việc miệt mài, các họa sỹ đã cho ra đời 4 mẫu giấy bạc mệnh giá: 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng và 100 đồng.

Công tác in đồng bạc giấy được thực hiện rất khẩn trương và bí mật tại các Nhà in Nguyễn Ninh (phố Hàng Than), Nhà in Việt Hưng (phố Cửa Nam), Nhà in Ngô Tử Hạ (phố Lý Quốc Sư) và Nhà in Tau-pin (phố Lê Duẩn).

Về hình thức, đồng bạc giấy Việt Nam một mặt in chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (chữ Quốc ngữ và chữ Hán) và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một mặt in hình Nông - Công - Binh. Các loại bạc giấy đều có chữ số Ả Rập, chữ Quốc ngữ, chữ Hán, Lào, Campuchia chỉ mệnh giá. Các loại bạc giấy này có ký tên Bộ trưởng Bộ Tài chính (Phạm Văn Đồng hoặc Lê Văn Hiến) và Giám đốc Ngân khố Trung ương, do đó ngoài tên gọi là Giấy bạc Cụ Hồ, nhân dân gọi với cái tên Giấy bạc Tài chính.

Tiền giấy loại 5 đồng, Bộ Tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành năm 1946. (Ảnh chụp HV BTLSQG)
Tiền giấy loại 5 đồng, Bộ Tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành năm 1946 (Ảnh chụp HV BTLSQG)

Về phát hành, để đảm bảo cho giấy bạc ra đời được thuận lợi và đạt được thắng lợi ngay từ đầu, phải chọn một nơi phát hành thí điểm, rồi sau đó rút kinh nghiệm và cho phát triển dần ra nơi khác. Chính phủ đã chọn miền Nam Trung bộ là nơi phát hành đầu tiên.

Ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 18B/SL cho phép phát hành giấy bạc Việt Nam tại các địa phương từ nam vĩ tuyến 16 trở vào. Nơi Giấy bạc Tài chính Việt Nam được phát hành thí điểm đầu tiên là thị xã Quảng Ngãi vào ngày 3/2/1946. Sau đó, ở hầu khắp các tỉnh miền Nam Trung bộ, tờ giấy bạc Việt Nam được nhân dân chào đón và hoan nghênh nhiệt liệt. Ở Liên khu 5, theo sắc lệnh 234/SL ngày 18/7/1947, Chính phủ cho phép Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung bộ chỉ phát hành một loại tiền, đó là tín phiếu.

Ngày 13/8/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 154/SL cho mở rộng và phát hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra. Tại kỳ họp thứ Hai, họp vào tháng 11/1946, Quốc hội khoá I đã quyết định cho phát hành rộng rãi giấy bạc Việt Nam trong toàn quốc.

Sự ra đời của những tờ Giấy bạc Tài chính – Giấy bạc Cụ Hồ như một lời khẳng định về chủ quyền về kinh tế - tài chính của nước ta. Sự ra đời này khẳng định tiềm lực vô cùng to lớn của một chính quyền tuy còn non trẻ, vừa ra đời trong điều kiện khó khăn nhưng đã vượt qua bao chông gai để phát hành nên tiền giấy. Từ đó, điều này đánh dấu một bước phát triển cực kỳ quan trọng đối với nền tài chính của nước ta, là động lực lớn cho sự phát triển của nền tài chính nước nhà trong những năm tháng sau này.

>> Đồng chí Sao Đỏ - Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc Gia, người góp công lớn trong sự ra đời và lưu thông Giấy bạc Cụ Hồ

Đồng chí Sao Đỏ - Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc Gia, người góp công lớn trong sự ra đời và lưu thông Giấy bạc Cụ Hồ

Người cận vệ cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đích thân Người đặt tên, từng giữ chức vụ cao nhất của Tổng cục Thể dục Thể thao

Người phụ nữ tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hơn 40 năm sưu tầm hơn 3.000 ảnh Bác Hồ, 65 năm vẫn không quên được lần đầu gặp Bác

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dong-tien-dau-tien-cua-viet-nam-sau-doc-lap-co-2-chu-ky-4-ngon-ngu-thuong-duoc-goi-la-giay-bac-cu-ho-233456.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đồng tiền đầu tiên của Việt Nam sau độc lập: Có 2 chữ ký, 4 ngôn ngữ, thường được gọi là 'Giấy bạc Cụ Hồ'
POWERED BY ONECMS & INTECH