Tài chính Ngân hàng

Ngô Tử Hạ và hành trình cho ra đời những đồng bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam

Dương Lam 15/10/2023 - 05:52

Nhà in Ngô Tử Hạ là nơi được lựa chọn in những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Kể từ khi có sắc lệnh phát hành tiền giấy trên toàn quốc (ban hành ngày 31/1/1946), tờ giấy bạc đầu tiên của Việt Nam trong tư thế một quốc gia độc lập chính thức bước vào cuộc sống, được nhân dân gọi một cách thân thương là tờ “giấy bạc Cụ Hồ”.

Nhà tư sản Ngô Tử Hạ - ông chủ ngành in của người Việt lúc bấy giờ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cẩn, lựa chọn in những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ thợ in thuê đến ông chủ ngành in

Ngô Tử Hạ sinh năm 1882 tại một vùng quê nghèo tại làng Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong một gia đình nông dân theo đạo Thiên Chúa. Thuở nhỏ, ông theo học trong trường dòng. Là một học sinh chăm học, lại thông minh nên ông luôn là học sinh giỏi nhất lớp. Ông thông thạo tiếng Pháp.

Ngô Tử Hạ và hành trình cho ra đời những đồng bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam
Ông Ngô Tử Hạ

Cũng như nhiều gia đình nông dân ở Kim Sơn thời đó, ông lập gia đình khá sớm. Năm 17 tuổi, vợ qua đời để lại hai con nhỏ. Để con lại cho bố mẹ nuôi, ông bỏ quê lên Hà Nội làm đủ mọi nghề để kiếm sống và gửi tiền về nuôi con. Nghề cuối cùng và cũng là nghề giúp ông xây dựng nghiệp lớn là nghề in.

Lúc đầu ông vào làm thuê cho một cơ sở in bao bì, mà chủ yếu là in vỏ bao thẻ hương. Vốn thông minh, chịu khó làm và sử dụng vốn tiếng Pháp sẵn có để đọc tài liệu kỹ thuật nhằm không ngừng cải tiến, nâng cao năng suất lao động nên thu nhập của ông không ngừng tăng.

Sau vài năm dành dụm, ông đã mua được máy in và mở cơ sở in của riêng mình mang tên Ngô Tử Hạ ngay gần khu vực nhà thờ Hà Nội (số 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội ngày nay). Vị trí nhà in đắc địa, máy in nhiều và hiện đại, thợ in đông, giải quyết chóng vánh, uy tín của nhà in Ngô Tử Hạ ngày một được khẳng định. Khách hàng của ông bao gồm cả trong nước, lẫn từ nước ngoài, nhất là nước Pháp.

Kinh tế ổn định, ông xây dựng gia đình với một cô gái Hà Thành. Biết cách làm ăn, lại được sự giúp đỡ của vợ và gia đình vợ, ông “phất” rất nhanh, mua thêm nhiều máy in loại hiện đại, mở rộng phát triển ngành in và trở thành người nổi tiếng nhất Đông Dương trong lĩnh vực in ấn, là một trong 300 nhà tư sản giàu nhất Đông Dương thời đó.

Nhà in đầu tiên in “đồng bạc cụ Hồ”

Ngày 31/1/1946, nhà in Ngô Tử Hạ là nơi được tin cậy, nhận trọng trách in những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà nhân dân thời đó thường gọi là “đồng bạc cụ Hồ”.

Thời điểm đó, chính phủ đã cho mời các họa sĩ thực hiện bản vẽ các tờ bạc giấy. Trong đó, họa sĩ Mai Văn Hiến là người vẽ chính tờ bạc mệnh giá 5 đồng, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ tờ 10 đồng, họa sĩ Nguyễn Văn Khanh vẽ tờ 20 đồng.

Đồng tiền của chế độ mới có mệnh giá: 100 đồng, 50 đồng, 20 đồng, 10 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào... Tất cả những đồng tiền này được in tại nhà in Ngô Tử Hạ, sau đó được vận chuyển về Bộ Tài chính ký và đóng dấu, đóng số sêri rồi mới được phát hành.

Những “đồng bạc cụ Hồ” được in và phát hành kịp thời không những đáp ứng nhu cầu chi dùng cho Chính phủ và nhân dân mà còn thống nhất tiền tệ, khẳng định chủ quyền độc lập của quốc gia.

Sau này, khi nhu cầu in ấn tiền của Chính phủ mới càng nhiều, chính một nhà tư sản yêu nước khác là ông Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972) vào năm 1946 đã bỏ tiền ra mua lại nhà in của Pháp rồi hiến tặng lại cho Chính phủ để lập nhà in tiền. Tháng 3/1946, nhà máy in tiền được chuyển về đồn điền Chi Nê rộng hơn 7.000 ha của gia đình ông Đỗ Đình Thiện ở Hòa Bình.

Ngoài những đóng góp về cơ sở, tiền bạc, tại buổi đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ để gây Quỹ Độc lập Trung ương năm 1945, ông Thiện đã bỏ ra một triệu đồng Đông Dương (khoảng gần 2.000 lạng vàng) mua bức tranh, sau đó tặng ngay cho Ủy ban Kháng chiến hành chính TP.Hà Nội.

Đồng lòng sát cánh cùng chính quyền còn non trẻ, đóng góp vô điều kiện, nhưng không chọn thủ đô để sinh sống, năm 1947, ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình gồm mẹ già và 4 con (nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 12 tuổi) lên Việt Bắc đi cùng cuộc kháng chiến 9 năm.

Đồn điền Chi Nê được ông bà giao cho Ban Kinh tài của Đảng quản lý, đồng thời đóng góp gần nửa cổ phần để xây dựng Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam). Khi kháng chiến thắng lợi, gia đình ông trở về thủ đô Hà Nội, sống tại nhà riêng ở 76 Nguyễn Du, Hà Nội.

Xung đột Israel - Hamas : Những kịch bản đáng sợ với kinh tế thế giới

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngo-tu-ha-va-hanh-trinh-cho-ra-doi-nhung-dong-bac-dau-tien-cua-chinh-phu-viet-nam-205789.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngô Tử Hạ và hành trình cho ra đời những đồng bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH