Dự báo tỷ giá sẽ tăng không quá 2,5% đến cuối năm

17-07-2023 10:31|TRẦN ĐỨC ANH, Giám đốc vĩ mô và chiến lược KBSV

Để đánh giá về xu hướng tỷ giá trong thời gian tới là một vấn đề phức tạp, dự báo sẽ có một vài yếu tố tiềm ẩn khiến tỷ giá sẽ tăng, nhưng mức mất giá không quá lớn và không quá 2,5%.

Bức tranh tỷ giá nửa đầu năm

Diễn biến tỷ giá của Việt Nam trong hơn một tháng trở lại đây đã có biến động bất thường và ít nhiều gây lo ngại cho các nhà đầu tư trong bối cảnh nhìn lại thời điểm tháng 10, tháng 11/2022 khi tỷ giá trong nước tương đối căng thẳng, thì cùng lúc đó thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh.

Khoảng 3 phiên trở lại đây, đồng USD đã có tín hiệu giảm mạnh, nên tỷ giá liên ngân hàng cũng có dấu hiệu hạ nhiệt

Khoảng 3 phiên trở lại đây, đồng USD đã có tín hiệu giảm mạnh, nên tỷ giá liên ngân hàng của Việt Nam cũng có dấu hiệu hạ nhiệt

Vậy biến động tỷ giá ở thời điểm hiện tại có nguyên nhân là gì, có đáng lo ngại hay không và đâu là dự báo cho diễn biến tỷ giá tác động đến thị trường từ nay đến cuối năm?

Quay trở lại với diễn biến của tỷ giá biến động từ năm 2016 đến nay sẽ thấy, xét trong khoảng thời gian 2016-2021, tỷ giá Trung tâm cũng như tỷ giá liên ngân hàng biến động không quá mạnh, quanh mức 22.000 - 23.000 VND/USD. Tuy nhiên đến năm 2022, chúng ta đã chứng kiến tỷ giá liên ngân hàng tăng vọt và các loại tỷ giá khác cũng biến động theo chiều hướng tăng mạnh.

Ở thời điểm tháng 11/2022 so với đầu năm đã có lúc VND mất giá lên đến 9%, nguyên nhân là do sức mạnh đồng USD đã tăng, bắt nguồn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. Trên thực tế, Fed đã áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt đối với nền kinh tế của Mỹ.

Đó là những diễn biến tỷ giá đáng chú ý cho đến hết quý 3/2022, còn từ những tháng cuối năm đến đầu năm 2023, chúng ta đã ghi nhận tỷ giá có phần hạ nhiệt do chỉ số DXY (đo lương sức mạnh đồng USD) hạ nhiệt, nhưng số liệu từ khoảng tháng 6 trở lại đây, tỷ giá đang có dấu hiệu tăng trở lại...

Trong bức tranh tỷ giá thì tỷ giá liên ngân hàng đang được chúng ta tập trung quan tâm và nó đã tăng trên dưới 1% trước khi có tín hiệu hạ nhiệt tương đối rõ nét trong 2 - 3 phiên trở lại đây. Nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố sau:

Thứ nhất, là sự trái chiều về mặt chính sách khi Fed liên tục phát đi tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát Mỹ dù đã giảm, nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang. Đặc biệt, nền kinh tế Mỹ vẫn thể hiện sự vững vàng, nhất là ở thị trường lao động.

Cách đây khoảng 3-6 tháng, thị trường kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào quý 3 năm nay, nhưng hiện tại thị trường đang kỳ vọng sẽ phải đến quý 1/2024 mới hạ lãi suất. Điều đó cho thấy đã có sự thay đổi kỳ vọng về quan điểm của Fed và diễn biến này góp phần làm cho đồng USD hồi phục nhất định trong tháng 6.

Đáng chú ý hơn là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có 4 lần hạ lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay. Sự trái chiều chính sách như vậy, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng Việt Nam đang rất dồi dào, giúp lãi suất VND xuống mức thấp còn lãi suất đồng USD neo cao, đã kích hoạt hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) USD/VND.

Carry trade là hoạt động nhà đầu tư sử dụng đồng tiền có lãi suất thấp mua để nắm giữ đồng tiền có lãi suất cao nhằm hưởng lợi, khiến nhu cầu mua nắm giữ USD gia tăng.

Thứ hai, đến từ việc đồng Nhân dân tệ đã mất giá rất mạnh từ đầu năm đến nay. Đầu năm, Trung Quốc mở cửa kinh tế và chúng ta kỳ vọng rất nhiều vào sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, những số liệu thực tế công bố cho thấy việc mở cửa này đã thất bại, vì tăng trưởng kinh tế của Trung quốc tương đối trì trệ và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phải áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng khiến Nhân dân tệ mất giá mạnh.

Trong khi đó, VND gần như đi ngang so với USD vô hình chung khiến cho Nhân dân tệ cũng mất giá mạnh so với VND. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, khi Nhân dân tệ mất giá sẽ gây ra sức ép nhất định đến tỷ giá trong nước.

Thứ ba, trong hơn một tháng trở lại đây đã không có nguồn ngoại tệ lớn nào chảy vào hệ thống thông qua hoạt động bán vốn, nhưng có một số hoạt động ngoại tệ chảy ra ngoài liên quan đến hoạt động mua điện của EVN, trong bối cảnh tháng 6 chúng ta phải trải qua giai đoạn thiếu biện trầm trọng do hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến thủy điện.

Đây là ba lý do chính khiến cho tỷ giá tăng trong tháng 6. Mặc dù vậy, khoảng 3 phiên trở lại đây, đồng USD đã có tín hiệu giảm mạnh, nên tỷ giá liên ngân hàng cũng có dấu hiệu hạ nhiệt.

>>Không để đầu cơ tỷ giá trên thị trường

Dù chưa đáng lo...

Về tác động đến thị trường, tôi cho rằng, nhìn lại câu chuyện tháng 10, tháng 11/2022, khi tỷ giá liên ngân hàng đã tăng rất mạnh và thị trường chứng khoán lao dốc. Nhưng thời điểm đó là tổng hòa của nhiều yếu tố cùng xuất hiện một lúc, liên quan đến dấu hiệu lạm phát tăng, tỷ giá, sự kiện ngân hàng SCB,... khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng căng thẳng cục bộ và mặt bằng lãi suất của nền kinh tế tăng cao.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược KBSV

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược KBSV

Còn thời điểm hiện tại, câu chuyện liên quan đến thanh khoản, lạm phát không còn áp lực, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 6 chỉ tăng khoảng 2% và cả năm nay chỉ loanh quanh 3%. Vì vậy, vấn đề tỷ giá với mức mất giá gần như đi ngang từ đầu năm đến nay, hoặc có nhích tăng nhẹ trong một tháng trở lại đây sẽ chưa phải mức thực sự đáng lo.

Mặc dù sẽ có những biến động nhất định liên quan đến thị trường liên ngân hàng, đến sự vận động của dòng vốn, hay những tác động nhất định lên vĩ mô như hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút vốn FDI, hay thu hút vốn dòng khối ngoại,... nhưng tác động tổng thể lên thị trường chứng khoán chắc chắn ít hơn rất nhiều.

Nhưng vẫn tiềm ẩn xu hướng tăng

Để đánh giá về xu hướng tỷ giá trong thời gian tới là một vấn đề rất phức tạp, vì có nhiều bức tranh chúng ta cần bóc tách, nhưng cũng có một vài yếu tố có thể tiềm ẩn khiến cho tỷ giá sẽ tăng từ nay đến cuối năm đó là:

Thứ nhất liên quan đến động thái, xu hướng tăng của chỉ số đồng USD, vì Fed vẫn đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ trong việc tăng lãi suất và có thể tới đây, Fed sẽ bớt “diều hâu” hơn, nhưng đó chỉ là kịch bản tích cực. Còn thời điểm hiện tại nhìn về tương lai, khả năng Fed hạ lãi suất là rất khó xảy ra trong tương lai gần, trong khi đó các ngân hàng trung ương lớn như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn đang theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính sự trái chiều trong chính sách như vậy khiến đồng USD có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm.

Thứ hai, với việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng kém trong 6 tháng đầu năm, với mức tăng chỉ 3,7% GDP thì Chính phủ đã gây sức ép lớn đối với hoạt động ở các ngân hàng để cố gắng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Với cơ sở như vậy, nhiều khả năng NHNN Việt Nam sẽ còn thêm một đợt hạ lãi suất điều hành nữa trong quý 3 này.

Sự trái chiều chính sách như vậy sẽ được duy trì, khiến lãi suất USD sẽ cao hơn tương đối so với lãi suất VND, dẫn đến câu chuyện có những hoạt động đầu cơ, mua nắm giữ USD để hưởng lãi suất cao vẫn tiếp tục diễn ra, cũng là yếu tố khiến tỷ giá có thể mất giá trong thời gian tới.

Tuy nhiên nhìn đi cũng cần nhìn lại, VND trong 6 tháng đầu năm vẫn là một trong những đồng tiền mạnh nhất trong khu vực. Nguyên nhân là chúng ta đã có luồng ngoại tệ chảy vào trong nước tương đối dồi dào trong 6 tháng đầu năm, với nhập siêu khoảng 12 tỷ USD và vốn FDI khoảng 10 tỷ USD cùng với nguồn kiều hối. Trong thời gian tới còn có thể kỳ vọng vào các thương vụ bán vốn lớn như tại SHB, Thaco, hay phát hành trái phiếu nước ngoài của Vinhomes hoặc bán vốn của Vincom Retail... Đây là những thương vụ bán vốn lớn có thể diễn ra, mang lại nguồn ngoại tệ về cho hệ thống ngân hàng.

Tôi cho rằng, tỷ giá sẽ tăng từ nay đến cuối năm nhưng mức tăng không quá lớn và không quá 2,5%, như vậy, trong bối cảnh NHNN vẫn đang nỗ lực hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì sẽ không can thiệp gì nếu tỷ giá tăng dưới mức 2,5%.

Đối với kịch bản tỷ giá tăng quá mạnh, hơn 3%, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô và dòng chảy vốn, khi đó có thể NHNN sẽ có động thái nhất định, nhưng còn tùy thuộc vào bối cảnh thời điểm đó liên quan đến tăng trưởng, lạm phát và chúng ta sẽ cần phải thảo luận thêm.

Tỷ giá USD hôm nay 12/12: thị trường tự do tăng, ngân hàng giảm

Dự trữ ngoại hối của NHNN: Dư địa còn lại là bao nhiêu?

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/kbsv-du-bao-ty-gia-se-tang-khong-qua-2-5-phan-tram-den-cuoi-nam-247551.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dự báo tỷ giá sẽ tăng không quá 2,5% đến cuối năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH