Dự báo xuất khẩu cá tra tăng 50% trong quý II/2022

17-04-2022 21:17|Hồ Linh

Trong quý I/2022, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm khoảng 27% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản

Năm 2021, dưới tác động của dịch COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều hộ nuôi cá tra đã không thể thả nuôi theo đúng kế hoạch mùa vụ năm nay. Các ao hầu hết thả nuôi ở mức duy trì, hạn chế cho ăn và rất hiếm cơ sở nuôi thêm.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu cá tra bị ảnh hưởng nhiều mặt bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng kỷ lục trong vài năm gần đây. Riêng giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu ngày càng tăng là yếu tố khiến giá cá tra nguyên liệu bị đẩy cao. Hiện giá cá tra nguyên liệu tăng 25% so với cuối năm 2021, và chạm mốc kỷ lục khoảng 32.000 đ/kg. Một số nơi thậm chí có giá cao hơn.

Sau 3 năm ảm đạm, ngành cá tra hồi sinh mạnh mẽ. Theo Tổng Cục Hải quan, đến hết quý I/2022, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, và chiếm khoảng 27% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản.

Giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới ba con số. Điển hình là thị trường Mỹ. Tổng giá trị xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm đạt 94,6 triệu USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường xuất khẩu cá tra số một của doanh nghiệp Việt Nam.

Nhu cầu tiêu thụ tăng, nhiều doanh nghiệp tận dụng triệt để cơ hội không bị áp thuế chống bán phá giá nên đã đẩy mạnh việc bán hàng sang thị trường này.

Ngoài Mỹ, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông tăng trưởng 240% trong 2 tháng đầu năm, lên mức 86 triệu USD. Ngay cả châu Âu, thị trường chứng kiến 2 năm sụt giảm liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang có dấu hiệu khởi sắc.

Một loạt yếu tố trên đưa VASEP đến nhận định, rằng xuất khẩu cá tra trong Quý II/2022 có thể tăng trên 50% so với cùng kỳ 2021.

Với những triển vọng này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tỏ ra lạc quan về kết quả kinh doanh trong năm 2022. Cụ thể, CTCP Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 43,5% và tăng 35,6% so với năm 2021.

Giá cá tra từ năm 2020 đến nay

CTCP Đầu Tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI) đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cửu Long, An Giang trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần dự kiến đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 20% và lãi trước thuế đạt 200 tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước.

Nhằm giải quyết nguồn cung, doanh nghiệp cá tra đã xây dựng nhiều kịch bản. Chẳng hạn, IDI đã ký đủ đơn hàng xuất khẩu cá tra đến hết quý II/2022. Đồng thời, đơn vị cũng chuẩn bị kho hàng dự trữ lên đến 1.400 tỷ đồng cá tra giá rẻ (17.000 – 18.000 đồng/kg) cho đợt phục hồi thị trường này.

Bên cạnh chế biến, IDI dự định tập trung nguồn lực vào nuôi trồng, đa dạng hoá sản phẩm từ cá tra, và không đầu tư ngoài ngành.

Công ty Vĩnh Hoàn cũng xác nhận, tất cả nhà máy đã trở lại hoạt động bình thường như trước đợt dịch COVID-19.

Ngành cá tra phấn khởi vì dự báo tăng trưởng từ giờ đến hết năm 2022, nhưng VASEP lưu ý người nuôi cần lên kế hoạch thả nuôi hợp lý, đảm bảo cân đối cung - cầu; tránh lặp lại kịch bản như năm 2018. Lúc ấy, người dân đổ xô nuôi cá tra, khiến giá cá tra lao dốc từ hơn 30.000 đ/kg xuống còn 19.000 đ/kg chỉ sau một năm.

Vĩnh Hoàn (VHC), Nam Việt (ANV) đón tin vui lớn khi Mỹ dỡ bỏ thuế đối với cá tra đông lạnh

Đoàn kiểm tra của EU sắp thanh tra tại Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

Bài thuộc chủ đề Sản xuất, Công nghiệp
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/du-bao-xuat-khau-ca-tra-tang-50-trong-quy-ii2022-133279.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Dự báo xuất khẩu cá tra tăng 50% trong quý II/2022
POWERED BY ONECMS & INTECH