Hà Giang đang trải qua những ngày mưa lũ lớn, nhiều nơi xảy ra ngập sâu, sạt lở... Dưới đây là những lưu ý cho du khách đến Hà Giang vào mùa này.
Rạng sáng 10/6, mưa lớn kéo dài đã khiến cho một số điểm ở TP. Hà Giang ngập sâu, nhiều gia đình không kịp sơ tán. Trước đó, cuối ngày 9/6, khu vực đường xuống sông Nho Quế (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) cũng rơi vào tình trạng tương tự, dòng nước chảy thành thác, xe máy không thể di chuyển, nhiều du khách bị mắc kẹt.
Nhiều người bày tỏ sự lo ngại và sợ hãi khi khu vực này từng có người tử vong do đá lở đè trúng ô tô. Sau nhiều giờ mắc kẹt, đến chiều tối cùng ngày, các du khách được giúp đỡ mới thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Trước tình hình này, Hiệp hội Du lịch Hà Giang thông báo thông tin trên đến các chi hội trưởng các chi hội nhà hàng, khách sạn, du lịch huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, Bắc Mê, Xín Mần, Chi hội vận chuyển khách du lịch, Chi hội lữ hành và toàn thể hội viên Hiệp hội du lịch cùng thông tin đến toàn du khách đang tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh. Có phương án kế hoạch phù hợp để không ảnh hưởng đến hành trình trải nghiệm của du khách khi đến với Hà Giang.
Dưới đây là 6 kinh nghiệm được các hướng dẫn viên và những người có kinh nghiệm chia sẻ.
1. Theo dõi tình hình thời tiết
Travel blogger Blog của Rọt từng chia sẻ: "Có lẽ nhiều bạn sẽ check thời tiết ở TP. Hà Giang và mang quần áo theo đúng nhiệt độ dao động ở đó nhưng như thế vẫn chưa đủ. Vì cung đường đi Đồng Văn và Mèo Vạc nằm ở trên một độ cao nhất định, nhiệt độ chênh lệch với TP. Hà Giang khá cao. Vì thế mà nhớ check thời tiết ở Thị trấn Đồng Văn là chuẩn xác nhất nhé.
Ngoài ra thì trời mưa gió cũng là một lưu ý rất quan trọng, đi Hà Giang 90% là đường đèo nên trời mưa rất nguy hiểm, thấy khả năng mưa cao thì nên cân nhắc để đảm bảo an toàn nhen".
Nếu đến Hà Giang vào thời điểm mùa mưa, bạn tuyệt đối không bất chấp lái xe trong khi mưa bão đang hoành hành, hay đi vào vùng nguy hiểm như băng qua đập tràn, suối, đường mòn hoặc đi trong đêm tối và không đi tàu thuyền khi có cảnh báo gió to, mưa lớn...
2. Chuẩn bị tư trang
Chuẩn bị tư trang phù hợp là việc không kém phần quan trọng. Để chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi phượt, đầu tiên thay vì một chiếc vali cồng kềnh khó mang vác, bạn nên có một chiếc balo chống thấm để bỏ những đồ cần thiết.
Du lịch mùa ẩm ướt, các loại quần áo mau khô, giày dép chống trượt nên được ưu tiên. Bên cạnh đó, máy sấy tóc, bao bọc hành lý chống nước, thuốc cảm sốt là những vật dụng hữu ích trong mùa mưa lũ.
Tránh mặc quần áo hay giày ẩm ướt, nhất là trang phục bó sát và rườm rà, vì chúng sẽ khiến bạn khó chịu, ngứa ngáy, mẩn đỏ và bị cảm. Nếu giày ướt, bạn hãy nhét kín giấy báo hoặc khăn giấy để hút nước, rồi hong khô bằng máy sấy hoặc dàn nóng máy điều hòa ở khách sạn (nếu có).
Khi bạn mang theo một vài đồ điện tử thì cần phải được bọc kín trong túi chống nước và mang bên mình. Đặc biệt đừng quên mang theo sạc pin điện thoại và máy ảnh, pin dự phòng...
3. Chuẩn bị và kiểm tra xe
Trước khi bắt đầu chuyến đi, hãy kiểm tra thật kỹ phương tiện di chuyển. Hãy kiểm tra thật kỹ vỏ lốp xe, phanh trước và sau, tra dầu máy, hệ thống điện và giảm xóc trên xe... Đồng thời, hãy trang bị một túi đồ sửa chữa nhỏ để có thể tự sửa chữa nếu gặp trường hợp khẩn cấp.
4. Tìm nơi trú ẩn an toàn
Các đỉnh núi, đồi trọc, nơi chứa nhiều kim loại, nhiều dây điện là những nơi bạn phải tránh trong lúc trời mưa. Nếu thời tiết chuyển biến xấu đi, bạn hãy ở yên trong cơ sở lưu trú hoặc khu sơ tán của địa phương.
5. Tuân thủ chỉ dẫn
Trong trường hợp cơn bão bất ngờ đổ bộ khi bạn đang trong hành trình du lịch, hãy bình tĩnh. Nếu đi theo đoàn du lịch, bạn hoàn toàn có thể yên tâm nghe theo sự chỉ dẫn của các hướng dẫn viên du lịch. Họ là những người dẫn tour nhiều và dày dạn kinh nghiệm trong những trường hợp như thế này.
Còn nếu bạn đi du lịch tự túc, cũng đừng sợ hãi. Hãy thực hiện đúng theo sự chỉ dẫn của cán bộ địa phương hay cảnh báo của người để tránh trường hợp xấu xảy ra.
6. Lên kế hoạch dự phòng
Để đề phòng trường hợp phải kéo dài thời gian lưu trú, đổi vé phương tiện hay hủy vé tham quan do ảnh hưởng của mưa bão, hãy mang theo nhiều tiền mặt hơn so với dự tính ban đầu. Bạn cũng có thể nhờ người thân chuyển khoản hoặc vay mượn bạn bè đồng hành nếu cần thiết.
Hầu hết các công ty du lịch đều có chính sách hoàn tiền hoặc hỗ trợ khách hàng trong trường hợp gặp thiên tai, bão lũ. Hãy liên hệ với công ty du lịch mà bạn đã đặt tour để được tư vấn và hỗ trợ cụ thể.
Cuối cùng, thay vì lo lắng, hãy giữ tinh thần lạc quan và tích cực để thích nghi với những thay đổi do thời tiết gây ra. Hãy xem đây là cơ hội để bạn khám phá những điều mới mẻ, trải nghiệm những hoạt động thú vị khác mà bạn chưa từng dự tính trước đây.
>> Mưa lớn tại Hà Giang, nước chảy như thác khiến du khách mắc kẹt ở Nho Quế