Vĩ mô

Dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đạt 2,8 triệu tỷ đồng

Đào Doãn 20/07/2024 - 12:36

Hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ.

Dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đạt 2,8 triệu tỷ đồng

Cung cấp thông tin tại Hội thảo Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi "tín dụng đen”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết tín dụng tiêu dùng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ năm 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.

Đặc biệt, không chỉ đáp ứng nhu cầu tài chính của người dân, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn giúp hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức như "tín dụng đen", từ đó đảm bảo an ninh trật tự xã hội, cũng như hạn chế các hệ lụy tiêu cực không đáng có.

Theo Phó Tống đốc, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Còn quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đạt khoảng 11 nghìn tỷ USD vào năm 2023. Con số dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt 15 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới.

Theo Báo cáo từ 16 tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn, Việt Nam hiện có hơn 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai. Ví dụ như gói tín dụng tiêu dùng 20 nghìn tỷ đồng của HD Saison và FE Credit cho khách hàng là công nhân lao động.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng chương trình tín dụng, các gói cho vay tiêu dùng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid hay miễn giảm lãi,...trong suốt thời gian qua.

Những chương trình tín dụng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại như nộp hồ sơ ekYC, ký hợp đồng điện tử qua kênh internet/mobile banking, thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký vay trực tuyến,... cũng được ban hành, từ đó tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này.

Dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đạt 2,8 triệu tỷ đồng
Tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng

Dù vậy, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và đối diện nhiều thách thức. Ví dụ, từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu. Hay xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội khi tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn cách không phải trả nợ cho công ty TCTD,...

Những điều này đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD nói riêng cũng như sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.

Giải pháp và kiến nghị

Để khai thác tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam và giải quyết những tồn tại, thách thức, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đã nêu những giải pháp và kiến nghị được đề cập.

Theo đó, ngành Ngân hàng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Tiếp đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, bao gồm hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện để TCTD đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các Cơ quan quản lý nhà nước, cấp Ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân cần được đẩy mạnh.

Các tổ chức tín dụng cũng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kết nối và khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các Bộ, ngành và địa phương cũng cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ đối với việc tăng cường phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

>> Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg: Tăng mức cho vay vùng khó khăn, người dân hưởng lợi

Bất ngờ tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam, hơn cả TP. Hà Nội

Cần sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/du-no-tin-dung-cho-vay-tieu-dung-tai-viet-nam-dat-28-trieu-ty-dong-242579.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đạt 2,8 triệu tỷ đồng
POWERED BY ONECMS & INTECH