Người dân gửi tiết kiệm kỷ lục hơn 7,5 triệu tỷ đồng vào ngân hàng
Tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt hơn 7,53 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 4, tăng gần 500.000 tỷ chỉ sau 4 tháng, lập mức cao nhất từ trước đến nay.
Tiền gửi tiết kiệm của dân cư lập kỷ lục mới
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4/2025, tổng số tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt 7,537 triệu tỷ đồng – tăng 6,69% so với cuối năm 2024, tương đương gần 500.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng năm nay cao gấp 3 lần, với mức tăng tuyệt đối khoảng 857.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổng tiền gửi của tổ chức kinh tế tuy giảm nhẹ so với cuối năm ngoái nhưng vẫn duy trì ở mức cao, đạt khoảng 7,6 triệu tỷ đồng. Tổng cộng, hệ thống ngân hàng đang nắm giữ lượng tiền gửi vượt 15 triệu tỷ đồng – một con số cho thấy niềm tin của thị trường vào hệ thống tài chính – ngân hàng.
Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn – phần lớn là tiền để trong tài khoản thanh toán – của người dân cũng duy trì đà tăng liên tục suốt 3 năm qua. Đến cuối quý I/2025, tổng số dư đã vượt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 56.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024.
![]() |
Nguồn: NHNN |
Mặc dù lượng tiền gửi liên tục tăng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm trên thị trường tiếp tục xu hướng giảm. Ghi nhận đầu tháng 7, lãi suất tại nhóm ngân hàng có vốn nhà nước như BIDV, VietinBank, Agribank giữ ổn định ở mức 3%/năm với kỳ hạn 6–9 tháng, và tối đa 4,8%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh giảm nhẹ. VPBank giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng cho khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng xuống còn 5,4%/năm (trước đó là 5,7%/năm). NCB cũng giảm 0,1 điểm phần trăm với nhiều sản phẩm như tiết kiệm truyền thống và chứng chỉ tiền gửi dài hạn.
Hiện chỉ còn một số ngân hàng niêm yết mức lãi suất trên 6%/năm, chủ yếu áp dụng cho kỳ hạn dài và khoản gửi lớn. Bac A Bank và HDBank cùng niêm yết mức 6,1%/năm cho kỳ hạn 18 tháng với tiền gửi trên 1 tỷ đồng hoặc gửi online.
Dư nợ tín dụng tăng mạnh trở lại
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết tính đến ngày 26/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024 – mức cao nhất kể từ năm 2023. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng đạt tới 18,87%.
Theo ông Hà, NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Lãi suất điều hành được giữ ổn định, trong khi các ngân hàng thương mại đã tích cực tiết giảm chi phí, giữ ổn định lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay. Hiện mặt bằng lãi vay bình quân các khoản giải ngân mới khoảng 6,38%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.
Cơ cấu tín dụng vẫn bám sát định hướng phát triển kinh tế. Tín dụng nông nghiệp – nông thôn chiếm 23,16%; doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,51%; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp công nghệ cao tăng mạnh, lần lượt đạt 15,69% và 17,59% – gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng toàn hệ thống.
Các lĩnh vực sản xuất, chế biến – chế tạo, xây dựng và dịch vụ vẫn là trụ cột trong cơ cấu tín dụng, chiếm tổng cộng hơn 44% dư nợ toàn hệ thống.
Ngoài các dòng vốn truyền thống, nhiều chương trình tín dụng ưu tiên tiếp tục được đẩy mạnh. Gói tín dụng lĩnh vực lâm – thủy sản được nâng từ 15.000 tỷ lên 100.000 tỷ đồng. Chương trình tín dụng liên kết sản xuất 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao vùng ĐBSCL đang triển khai đồng bộ.
Các gói vay cho nhà ở xã hội, hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi và gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số cũng được các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và nhu cầu vốn của nền kinh tế để điều hành tín dụng hiệu quả, đảm bảo cân bằng giữa ổn định vĩ mô, kiểm soát rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng.
>> Thủ tướng ra công điện, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quan trọng
Thủ tướng ra công điện, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quan trọng
Ngân hàng giải ngân hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ tạo lập nhà ở xã hội