Lộ diện tỉnh sở hữu nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam
44 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này, với tổng số khoảng 2.092 dự án.
Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và lớn thứ ba vùng Nam Bộ với diện tích khoảng 5.903,4 km2. Theo Cục Thống kê Đồng Nai, ước tính dân số năm 2023 của tỉnh là hơn 3,3 triệu người, tăng 1,69% so với cùng kỳ.
Phát triển công nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đồng Nai hiện sở hữu nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam. Được biết, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 39 khu công nghiệp với diện tích gần 190km2. Trong đó, 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy vào khoảng 86%.
Thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ ra, 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng số khoảng 2.092 dự án. Trong đó bao gồm 1.440 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt 29,5 tỷ USD, vốn thực hiện 22,7 tỷ USD và 652 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 79,6 nghìn tỷ đồng. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ đứng đầu trong đầu tư vào Đồng Nai là Hàn Quốc, Nhật Bản,...
Phát triển công nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đồng Nai hiện sở hữu nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam |
Được biết, Long Thành, Biên Hoà, Nhơn Trạch là những địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của Đồng Nai. Đáng chú ý, thành phố Biên Hoà tập trung 6 khu công nghiệp đang hoạt động tương đối ổn định cùng hơn 450 doanh nghiệp thuê đất để sản xuất kinh doanh.
Tại đây, các khu công nghiệp phát triển ở rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, bao gồm dệt may, cơ khí, chế biến thực phẩm hay điện tử,...Ngoài ra, Đồng Nai cũng đang dần hướng tới mục tiêu phát triển theo hướng công nghiệp xanh. Năm 2020, Amata Đồng Nai là một trong ba khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam được chọn để xây dựng mô hình thí điểm khu công nghiệp sinh thái kiểu mẫu theo hướng toàn cầu.
Vị trí địa lý của Đồng Nai cũng khá thuận lợi. Tỉnh liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp giáp khu vực Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên. Đặc biệt, tỉnh cũng có mạng lưới giao thông quốc gia, hệ thống đường kết nối liên tỉnh, liên huyện như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, tuyến đường sắt Bắc Nam, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây,...
Được biết, theo định hướng từ nay đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ bố trí quỹ đất phát triển các khu công nghiệp tập trung nhiều tại một số khu vực, gồm thành phố Biên Hoà 1.412ha; huyện Long Thành 5.483ha; huyện Cẩm Mỹ 2.556ha; huyện Nhơn Trạch 3.907ha; huyện Trảng Bom 2.321ha; huyện Thống Nhất 976ha; huyện Xuân Lộc 609ha…; đồng thời bố trí quỹ đất để phát triển các cụm công nghiệp tập trung nhiều tại huyện Vĩnh Cửu 446ha; huyện Long Thành 343ha; huyện Trảng Bom 181ha; huyện Thống Nhất 217ha…
>> Tỉnh tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Việt Nam, vượt cả TP. Hà Nội
Đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Yên Lư, Bắc Giang
Phục hồi xuất khẩu sẽ thúc đẩy sự phát triển ngành logistics và khu công nghiệp