Đừng để ô nhiễm môi trường trở thành độc dược
Ô nhiễm môi trường không khí không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Vấn đề ô nhiễm môi trường không khí đã được đề cập đến trong nhiều báo cáo của địa phương, các bộ ban ngành cấp tỉnh, cấp quốc gia và cũng có nhiều hành động để cải thiện nhưng chưa đạt được hiệu quả mong muốn trong những năm qua, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Nó được giới chuyên gia đánh giá là “sát thủ vô hình”. Tuy chưa thấy ngay tác hại và khó nhìn thấy về mặt trực quan, nhưng những tác động đến vấn đề an sinh xã hội, kinh tế lại nguy cơ thấy rõ mà ai cũng có thể nhận ra.
Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí mà các chuyên gia dẫn ra từ buổi Tọa đàm “Quản lý chất lượng không khí: Công cụ tổng thể kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28/7 cho thấy, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2,5 - loại bụi được coi là tử thần trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.
Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khoẻ con người bao gồm các khoản chi phí: Chi phí khám và thuốc chữa bệnh, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm. Đa số người dân sau khi nghỉ ốm để điều trị bệnh hoặc có người thân bị ốm sẽ giảm khoảng 20% về thu nhập và sức khỏe so với trước khi bị bệnh.
Hoặc, theo con số nghiên cứu do quỹ Mirinda and Bill Gate tài trợ cho thấy, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 chết do ô nhiễm không khí.
Vấn đề nhức nhối đến nỗi, nhiều nước phương Tây như Mỹ, Anh và Đức đã từng phát đi “cảnh báo đỏ” về tình hình ô nhiễm không khí “nguy hiểm” ở các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM, khuyến cáo công dân của mình về tác động đối với sức khỏe của họ.
Đại sứ quán Anh tại Hà Nội từng phát cảnh báo: “Mức độ ô nhiễm không khí ở mức cao, thậm chí nguy hiểm xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn, có thể làm trầm trọng các bệnh về phổi, tim và hô hấp. Trẻ em, người gia và những người có tiền sử bệnh lý đặc biệt bị ảnh hưởng”.
Tương tự, Đại sứ quán Đức cũng cảnh báo: “Ô nhiễm không khí là hiểm họa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người ở Việt Nam. Thậm chí có thể nghiêm trọng hơn tai nạn giao thông. Các chất gây ô nhiễm không khí được coi là có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường”.
Do đó, Tọa đàm “Quản lý chất lượng không khí: Công cụ tổng thể kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm” nhận được khá nhiều quan tâm từ dư luận, cũng như quy tụ nhiều đóng góp, chia sẻ của các chuyên gia cũng là lẽ đương nhiên.
Tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng: “Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề của riêng mỗi địa phương. Việc ứng dụng chuyển đổi số là cơ hội lớn, nếu thực hiện, chúng ta sẽ nắm được thông tin dữ liệu cần thiết, xác định nguồn ô nhiễm, xác định nguyên nhân, trách nhiệm rõ ràng, phân bổ hợp lý các nguồn lực. Từ đây, sự tham gia vào cuộc của đơn vị, cộng đồng cũng mở rộng. Đây là cơ hội vàng, biến cơ hội thành việc làm cụ thể để bảo vệ môi trường”.
Từ vấn đề nóng của thực tiễn, nhìn lại quá khứ sẽ thấy, có lẽ Việt Nam là một trong số quốc gia đầu tiên trên thế giới quan tâm sâu sắc đến vấn đề môi trường. Dẫn chứng, cách đây hơn 60 năm (1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây vào đầu năm mới: “Mùa xuân là tết trồng cây. Để cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Trong khi đó, phải hơn 10 năm sau (1970), thế giới mới bắt đầu quan tâm đến “ngôi nhà xanh” của chúng ta. Tiếc rằng, do chiến tranh và một số khó khăn, tinh thần này không được phát huy một cách liên tục.
Với Việt Nam hiện nay, đây là thời điểm rất quan trọng, có tính quyết định tới “số phận” của môi trường. Bởi chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, thời điểm mà môi trường dễ bị tàn phá nhất. Bài học từ một số quốc gia và cả của ta cho thấy, những “di sản” môi trường để lại thường rất khó có thể phục hồi và sẽ vô cùng tốn kém.
Vâng! Các nhà quản lý môi trường Việt Nam đã có những cố gắng nhất định khi đã xây dựng, lắp đặt được 600 trạm quan sát phát thải, khí thải của các doanh nghiệp được cài đặt và kết nối thông tin trực tiếp với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Từ đó, Bộ nắm chắc thông số và lượng khí thải, phát thải của từng doanh nghiệp, và nếu có vấn đề, sự cố xảy ra có thể chủ động kiểm soát và khắc phục.
Dẫu vậy, chúng ta chưa nói nhiều về giải pháp, dù nói rất nhiều về ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng. Và những giải pháp có đưa ra nhưng lại thiếu đồng bộ, quyết liệt, thiếu sự phối – kết hợp của các cấp, bộ, ngành và ddiwj phương.
Như ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường khuyến cáo tại buổi Tọa đàm: “Cần có nỗ lực và hành động đồng bộ từ nhiều ngành trong quản lý chất lượng không khí. Nếu chỉ một số ngành thì không giải quyết được. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề ở Trung ương, mà còn cần sự góp sức ở địa phương”.
Có thể nói, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là kiên quyết không đổi ô nhiễm môi trường lấy phát triển kinh tế là một chủ trương đúng đắn. Song, từ chủ trương đến thực tế luôn là khoảng cách. Do đó, cần có một tinh thần quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường với điểm tựa Luật bảo vệ môi trường.
Đừng để môi trường trở thành “độc dược”, luôn rình rập đe dọa cuộc sống của mỗi chúng ta. Quan trọng hơn, người làm chính sách cần phải có tư duy đổi mới, lăn xả với thực tiễn, như lời Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: “Không thể có ý nghĩ sạch trong một căn phòng bẩn”.
Động thái của Chủ tịch Bắc Ninh với làng nghề ô nhiễm
Chất lượng không khí Hà Nội tiếp tục ở mức xấu, có hại cho sức khỏe