Đúng Rằm tháng Giêng, gia chủ cần tránh 7 điều này để đầu xuôi đuôi lọt, làm ăn thuận lợi
Lễ cúng Rằm tháng Giêng được nhiều người quan niệm quan trọng hơn so với các ngày rằm khác trong năm.
Rằm tháng Giêng 2025 là ngày nào Dương lịch?
Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu hoặc lễ Thượng nguyên, là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa truyền thống của Việt Nam và nhiều quốc gia Á Đông. Đây không chỉ là một sự kiện mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng mà còn là dịp để các gia đình sum họp, cùng nhau hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới.
![Đúng Rằm tháng Giêng, gia chủ cần tránh 7 điều này để đầu xuôi đuôi lọt, làm ăn thuận lợi - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/10/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_09-_cung_ram_thang_gieng_motm.jpg)
Tết Nguyên tiêu diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Năm Ất Tỵ 2025, Rằm tháng Giêng sẽ rơi vào thứ Tư, ngày 12/2/2025 theo Dương lịch.
Do năm nay Rằm tháng Giêng trùng vào ngày giữa tuần, nhiều gia đình bận rộn có thể không đủ thời gian chuẩn bị lễ cúng đúng ngày. Trong trường hợp này, việc tổ chức lễ cúng trước một vài ngày là hoàn toàn có thể, thường từ ngày 13 – 14 Âm lịch, thậm chí có gia đình thực hiện từ ngày 11 – 12 Âm lịch.
Tên gọi "Nguyên tiêu" có nguồn gốc từ chữ Hán, trong đó "nguyên" có nghĩa là đầu tiên, "tiêu" nghĩa là đêm. Vì vậy, Tết Nguyên tiêu được hiểu là đêm Rằm đầu tiên của năm mới theo Âm lịch.
Trong các ngày rằm trong năm, Rằm tháng Giêng được xem trọng nhất, chỉ đứng sau Rằm tháng Bảy. Điều này thể hiện qua câu tục ngữ dân gian: "Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng", nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của ngày này trong đời sống văn hóa người Việt.
Những kiêng kỵ ngày Rằm tháng Giêng
Lễ cúng Rằm tháng Giêng là một nghi thức quan trọng, vì vậy để đảm bảo ý nghĩa tâm linh, thu hút may mắn và tài lộc, gia chủ cần lưu ý một số điều kiêng kỵ sau:
1. Không xê dịch bát hương khi lau dọn bàn thờ
![Đúng Rằm tháng Giêng, gia chủ cần tránh 7 điều này để đầu xuôi đuôi lọt, làm ăn thuận lợi - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/10/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_09-_gia_chu_cung_ram_oqfe.png)
Theo quan niệm dân gian, việc di chuyển bát hương có thể làm xáo trộn sự yên ổn, ảnh hưởng đến tài lộc của gia đình. Các vật phẩm cúng cũng cần được bày biện gọn gàng, đúng thứ tự, tránh đổ vỡ.
2. Không dùng hoa, trái cây giả
Hoa và trái cây là những lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ. Gia chủ nên tránh sử dụng hoa quả giả, đồng thời không dùng lại vật phẩm đã qua sử dụng để cúng, vì đây được coi là hành động bất kính, thể hiện sự thiếu thành tâm.
3. Không để thùng gạo cạn đáy
Theo quan niệm dân gian, nếu thùng gạo trong nhà cạn đáy vào đầu năm, gia đình sẽ gặp khó khăn về lương thực, kéo theo một năm thiếu thốn, vất vả.
4. Kiêng cúng thủ lợn
Theo quan niệm dân gian, trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng, gia chủ có thể lựa chọn cúng đồ chay hoặc đồ mặn. Tuy nhiên, nếu cúng mâm cỗ mặn, cần tránh dâng thủ lợn, bởi việc cúng thủ lợn vào ngày đầu năm bị xem là hành vi sát sinh, có thể ảnh hưởng đến vận phúc của cả gia đình trong suốt năm mới.
5. Tránh câu cá trong ngày này
Dân gian cho rằng câu cá vào ngày trăng tròn có thể mang đến vận rủi, do đó, nhiều người kiêng kỵ việc này vào Rằm tháng Giêng.
6. Kiêng nói tục, chửi bậy
Lời nói trong ngày rằm có thể ảnh hưởng đến vận khí cả năm. Việc nói tục, chửi bậy hay gây tranh cãi vào ngày này được xem là điều không may, có thể dẫn đến thị phi và xui rủi.
7. Hạn chế đến những nơi có âm khí nặng
Trong ngày Rằm tháng Giêng, tốt nhất nên tránh đến những nơi có âm khí mạnh như nghĩa trang, mồ mả, khu hoang vu hay bệnh viện. Đặc biệt, những người có sức khỏe yếu nên hạn chế lui tới những nơi này để tránh vận xui đeo bám.
* Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm