Vĩ mô

Đúng vai mà không thuộc bài sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng

Thu Hằng - Trần Thường - Quang Phong 04/11/2024 16:30

Đại biểu Quốc hội cho rằng cần rà soát các quy định về tổ chức bộ máy, xác định ranh giới trách nhiệm, quyền hạn để có căn cứ pháp lý thực hiện "đúng vai" và phải "thuộc bài" vì nếu đúng vai mà không thuộc bài sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng.

Câu chuyện phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội ngày 4/11.

Đúng vai nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách bày tỏ ấn tượng sâu sắc với bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc, trí tuệ của Tổng Bí thư: "Đúng là chỉ có đổi mới thì mới có thể phát triển, chỉ khi mạnh dạn đi qua lối mòn tư duy mới có thể mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về phía trước”.

Từ đó, đại biểu đồng tình với việc đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung để tạo căn cứ cho việc thực hiện theo đúng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Khi đổi mới theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc thì trách nhiệm xây dựng pháp luật sẽ đặt lên vai Chính phủ nhiều hơn, số lượng văn bản hướng dẫn sẽ tăng lên rất nhanh và tính chất cũng phức tạp hơn.

luumai.jpg
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách. Ảnh: QH

Vì vậy, đại biểu kiến nghị về mặt tiến độ, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân trong đảm bảo tính kịp thời. Về chất lượng văn bản, cần đề cao tính khách quan, tránh lợi ích cục bộ và cần thực hiện nghiêm Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về nhận diện những điểm nghẽn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác, đầy đủ. Nếu như thuộc chức năng của Quốc hội thì Quốc hội sẵn sàng xử lý kịp thời nhưng đồng thời cần nhận diện chính xác những hạn chế do tổ chức thực hiện.

Liên quan đến yêu cầu “đúng vai thuộc bài”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách hoàn toàn tán thành quan điểm của Tổng Bí thư và cho rằng đây là chỉ đạo hết sức đúng đắn.

“Đúng vai nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân nhưng cũng không bỏ vai, cần thực hiện đúng trách nhiệm mà Hiến pháp đã quy định, làm tròn bổn phận mà Đảng đã trao và Nhân dân gửi gắm”, nữ đại biểu phân tích.

Bà Mai cho rằng cần rà soát các quy định liên quan về tổ chức bộ máy, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội và các quy định liên quan khác để xác định cụ thể phạm vi ranh giới trách nhiệm, quyền hạn, từ đó có căn cứ pháp lý thực hiện "đúng vai" và khi đã đúng vai thì nhất định phải "thuộc bài". Vì nếu như đúng vai mà không thuộc bài thì nhất định sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng.

Tháo gỡ rào cản điều kiện kinh doanh

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) lưu ý, việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là trong quá trình phối hợp, trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ Trung ương đến địa phương...

thang hanam.jpg
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ). Ảnh: QH

Đặc biệt, ông Nam lưu ý việc thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp”.

Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cũng đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm và gắn liền với việc kiểm soát quyền lực và trách nhiệm công vụ.

“Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội một số dự thảo luật để tăng tính phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp. Tuy nhiên, bằng các thể chế pháp luật, chúng ta phải tăng cường công tác kiểm soát để triển khai công việc hanh thông, thuận lợi, đi vào đúng quỹ đạo, vào đúng khuôn khổ pháp luật”, đại biểu tỉnh Hưng Yên nói.

Lưu ý mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, cùng với các giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cắt giảm thủ tục hành chính doanh nghiệp rất cần những giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá và sự hậu thuẫn của Nhà nước để tạo sinh khí.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại, có biện pháp xử lý, tháo gỡ rào cản trong thể chế.

Trong đó cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ.

>> Các Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều gói tín dụng hỗ trợ phát triển kinh tế năm 2025

Đề xuất giảm thuế VAT, tiếp tục gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế

Lãng phí đất đai đang để 'đất khóc người than'

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dung-vai-ma-khong-thuoc-bai-se-tao-ra-nhung-san-pham-kem-chat-luong-2338503.html
Bài liên quan
  • Tổng Bí thư Tô Lâm 'gióng trống lệnh' phòng, chống lãng phí
    Mỗi khi phố thị lên đèn, 3 toà nhà chung cư tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) chìm trong bóng tối. Đã nhiều năm trôi qua, những toà nhà ngày một xuống cấp, nhưng không có người ở, cây dại mọc ngổn ngang. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về sự lãng phí – điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho phát triển”.
  • Những kết quả đạt được về KT-XH là rất tích cực, khả quan
    Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị… Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan, bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định…
  • Bộ trưởng KH&ĐT: Thay cán bộ sợ sai để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
    Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, một trong những giải pháp được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu ra là kịp thời thay thế cán bộ, công chức yếu kém, sợ sai, sợ trách nhiệm, đồng thời kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
  • Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, Luật Việc làm sửa đổi
    Tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 8 (từ ngày 4 - 9/11), Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Luật Việc làm sửa đổi, Luật Nhà giáo.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đúng vai mà không thuộc bài sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng
    POWERED BY ONECMS & INTECH