Chạy xe công nghệ tốn 500.000 đồng/ngày tiền xăng, chuyển sang xe điện chỉ còn 100.000 đồng
Nhiều người chạy xe công nghệ, trước đây mỗi ngày mất 400.000 - 500.000 đồng tiền xăng. Giờ chuyển sang xe điện, chỉ tốn khoảng 100.000 đồng/ngày.
Ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo lộ trình được nêu trong Chỉ thị 20/CT-TTg, đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2028, Hà Nội không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Trao đổi với Báo Sài Gòn Giải Phóng, TS Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, chuyển đổi là bước đi cần thiết nhằm tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.
TS Kiên phân tích, hệ thống điện hiện nay có sự chênh lệch giữa giờ cao điểm và thấp điểm. Nếu tận dụng tốt khung giờ thấp điểm (khi chi phí sản xuất điện thấp) để sạc xe điện, người dân không chỉ được hưởng giá rẻ mà còn giúp tối ưu phụ tải, tăng hiệu quả khai thác nguồn năng lượng.
Tuy nhiên, TS Kiên cũng thừa nhận, hóa đơn tiền điện của người dân có thể tăng lên do cơ chế giá điện bậc thang hiện nay, càng dùng nhiều điện, giá càng cao.
Song, ông Kiên khẳng định: “Chi phí sạc điện cho xe vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí mua xăng. Tôi biết nhiều người chạy xe công nghệ, trước đây mỗi ngày mất 400.000 - 500.000 đồng tiền xăng. Giờ chuyển sang xe điện, chỉ tốn khoảng 100.000 đồng/ngày”.
>>Cấm xe xăng: Nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Indonesia
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: NGỌC DƯƠNG/Báo Thanh Niên |
Bên cạnh đó, ông Kiên cũng nhận định, nếu xu hướng sử dụng xe điện ngày càng phổ biến, ngành điện sẽ chịu thêm áp lực về sản xuất. Dù vậy, đây không phải điều đáng lo lắng, bởi Chính phủ đã có sự chuẩn bị dài hạn. Việc đưa điện hạt nhân vào quy hoạch là một trong những giải pháp then chốt để bảo đảm nguồn cung ổn định cho phương tiện điện hóa trong tương lai, ông Kiên cho biết.
Trước đó, phát biểu tại Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô", ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, với tất cả các đô thị trên thế giới, không chỉ riêng Hà Nội, TP.HCM, nguyên nhân ô nhiễm từ các phương tiện giao thông chạy nguyên liệu hóa thạch là chắc chắn, đã có những nghiên cứu khoa học, có những số liệu. Phát thải CO2, đi xe điện giảm tới 70% so với đi xe máy chạy xăng, những chất khác cũng giảm rất nhiều.
Ông Tùng cho biết, không nên băn khoăn là xe máy có phải là nguyên nhân gây ô nhiễm chính hay không. Bây giờ đòi hỏi có những giải pháp cực kỳ quyết liệt như Chỉ thị 20.
Ông Tùng thể hiện sự vui mừng vì vừa rồi Hà Nội đã nhanh chóng có những hành động triển khai như vậy, đã thành lập ngay Ban Tư vấn, chỉ đạo. "Những biện pháp như thế tôi nghĩ rất kịp thời", ông Tùng nói.
>>Hà Nội cấm xe xăng nội đô: Doanh nghiệp 3 tỷ USD nhập cuộc cùng VinFast, Xanh SM