Được người dân xếp hàng dài cả cây số chờ mua bánh trung thu truyền thống, Thu Hương Bakery kinh doanh thế nào?
Mùa Trung thu, cảnh người dân xếp hàng dài mua bánh trung thu truyền thống như Bảo Phương, Thu Hương Bakery... lại tiếp diễn.
Thu Hương Bakery không còn xa lạ với người dân thủ đô. Năm 1996 một nữ đầu bếp lấy tên mình để đặt cho tiệm bánh khiêm tốn trên phố Phan Đình Phùng.
Khởi đầu từ người thợ bánh của khách sạn Sofitel Metrople, bà Thu Hương vừa đi làm, vừa tranh thủ làm thêm tại nhà. Sau khi tài làm bánh ngọt của mình được nhiều người biết tới, bà Hương nghỉ hẳn làm để khởi nghiệp, mở cửa hàng Thu Hương Bakery đầu tiên tại phố Phan Đình Phùng.
Với hơn 25 năm phát triển, Thu Hương Bakery vốn chỉ là một cửa tiệm nhỏ nay đã là một thương hiệu nổi tiếng. Với chuỗi cửa hàng trên những con phố “độc đắc” của Hà Thành. Phan Đình Phùng, Giảng Võ, Phố Huế… đều có thương hiệu Thu Hương.Tuy nhiên cùng với sự lớn mạnh không ngừng là sự vắng mặt của người sáng lập.
Năm 2011 người thợ làm bánh Thu Hương ra đi thầm lặng. Để lại cái tên của mình vẫn đường hoàng hiện hữu trên mỗi cửa tiệm. Mùa thu năm 2016, chị trở lại với bài báo “bóc mẽ” chính thương hiệu mình từng làm chủ đã gây lên cơn sóng gió lớn. CEO của Thu Hương Bakery bây giờ từng chia sẻ “Chúng tôi mất 60% khách hàng chỉ vì một bài báo”.
Tạm gác lại những câu chuyện phía sau việc nhượng lại cổ phần để nói về Thu Hương của hiện tại. Bất ngờ rằng, sau vụ việc lùm xùm đó, thương hiệu bánh ngọt này đến gần hơn với công chúng, tạo được hiệu ứng và lòng tin yêu của không ít người sành ăn Hà Thành.
Không chỉ gia tăng điểm bán, để đáp ứng nhu cầu ngày một cao và đa dạng của khách hàng, Thu Hương Bakery cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua mô hình sản xuất tại chỗ, làm bánh ngay tại cửa hàng để bánh đến tay khách hàng phải tươi ngon và có chất lượng cao nhất. Các cửa hàng không duy trì hàng tồn, cam kết chất lượng bởi những mẻ bánh tươi ngon bán trong ngày.
Những dòng sản phẩm mới liên tục ra đời, đặc biệt là dòng bánh tốt cho sức khỏe như bánh mì ăn kiêng, bánh mì hoa cúc, nâu xé. Trong khi đó, hàng loạt các dòng sản phẩm như bánh mì, bánh Gato và các dòng bánh đặc biệt sản xuất riêng cho các dịp lễ khác nhau luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của đa số thượng khách sành ăn tại Hà Thành. Và đặc biệt là bánh trung thu handmade cho thấy sự sáng tạo trong kinh doanh và khả năng chớp thời cơ của thương hiệu này.
Bánh trung thu vốn không phải là loại bánh mang phong cách ẩm thực Pháp, nhưng mùa trung thu lại là dịp tiêu thụ bánh ngọt lớn nhất trong năm tại Việt Nam. Khi bánh trung thu Thu Hương Bakery ra mắt, nó ngay lập tức cháy hàng với sức tiêu thụ lớn ngay từ đầu mùa. Sự thành công của bánh thương hiệu Thu Hương Bakery bất chấp sức cạnh tranh khốc liệt của những thương hiệu truyền thống hay những loại bánh trung thu handmade khác.
Về tình hình kinh doanh, sau sự cố năm 2016 thì Thu Hương Bakery đã mất 1 khoảng thời gian để phục hồi. Năm 2019, Bánh ngọt Thu Hương ghi nhận khoảng doanh thu 46 tỷ đồng, lỗ sau thuế gần 24 tỷ đồng thì đến năm 2021, khoản lỗ của công ty đã được thu hẹp đáng kể với con số âm 2,3 tỷ đồng. Năm 2022 vừa qua, doanh thu thuần của công ty đã tăng trưởng tới 41% lên hơn 39 tỷ đồng, và công ty đã ghi nhận có lãi 1,4 tỷ đồng sau nhiều năm báo lỗ.
Sau 3 tháng xảy ra khủng hoảng năm 2016, CEO của Thu Hương Bakery đã cho ra đời thương hiệu Maian Bakers, một thương hiệu cao cấp, hướng đến những khách hàng trung lưu, với những sản phẩm ít béo, dùng những nguyên liệu hảo hạng nhất, có lợi cho sức khoẻ nhất. Thương hiệu này đã được khách hàng đón nhận, góp công lớn khôi phục vị thế của Thu Hương Bakery như đã từng có trước cuộc khủng hoảng truyền thông năm ấy.
Và cũng trong khoảng thời gian đó, nhà sáng lập của Thu Hương Bakery cũng xây dựng thương hiệu bánh Madam Hương. Tất cả các thương hiệu đều có tên tuổi và được lòng người dân Hà Thành.