Được Trung Quốc xem như 'mỹ vị của đế vương' gom gần 800.000 tấn, loại trái cây này đang thay đổi cuộc chơi nông nghiệp Việt Nam
Sản phẩm này trở thành mặt hàng chủ lực, đóng góp tới 49,11% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta.
Việt Nam ghi dấu ấn lớn trên bản đồ xuất khẩu sầu riêng khi kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này sang Trung Quốc đạt hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam. Đặc biệt, sầu riêng trở thành mặt hàng chủ lực, đóng góp tới 49,11% tổng giá trị xuất khẩu rau quả, đưa Việt Nam vào vị trí cạnh tranh mạnh mẽ với Thái Lan - nhà cung cấp truyền thống của Trung Quốc.
Trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu gần 785.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam, tăng 55% về lượng và 42,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán trung bình đạt 3.964 USD/tấn (khoảng 101.000 đồng/kg), thấp hơn so với sầu riêng Thái Lan nhưng đủ để tạo sức cạnh tranh nhờ chất lượng cải thiện và nguồn cung ổn định.
Trung Quốc - thị trường tiêu thụ 91% sản lượng sầu riêng toàn cầu - là động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng Việt Nam. Với lượng sầu riêng nhập khẩu chiếm 46,9% thị phần, Việt Nam hiện chỉ đứng sau Thái Lan (52,4%) nhưng đang thu hẹp khoảng cách nhanh chóng.
Trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu gần 785.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam. Ảnh minh họa |
>> Giá tăng hơn 90%, lần đầu tiên cà phê Việt vượt mốc xuất khẩu 5 tỷ USD
Thái Lan, dù vẫn là nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc, đang đối mặt với sự sụt giảm thị phần. Trong 10 tháng năm 2024, lượng sầu riêng Thái Lan nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 13,2%, đạt 785.000 tấn với giá trị khoảng 3,87 tỷ USD.
Để bảo vệ vị thế, Thái Lan tập trung cải tiến giống, kiểm soát chất lượng, và giải quyết các vấn đề về sâu bệnh. Tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào cũng giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam và Philippines khiến thị trường ngày càng thách thức.
Nhờ yếu tố mùa vụ, triển vọng xuất khẩu rau quả cuối năm của Việt Nam vẫn rất khả quan, dù sầu riêng chính vụ đã kết thúc vào tháng 10. Nguồn cung trái vụ tiếp tục mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.
Ngoài sầu riêng, ngành rau quả Việt Nam còn tăng trưởng mạnh, đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 4,09 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc chiếm tới 66% tổng kim ngạch, khẳng định đây là thị trường chiến lược cho các sản phẩm nông sản Việt.
Đối với người dân Trung Quốc, sầu riêng không chỉ là một loại trái cây hợp khẩu vị mà còn mang ý nghĩa biểu tượng của sự sang trọng. Theo một số tài liệu, các nhà khảo cổ học cho rằng sầu riêng đã xuất hiện tại đất nước này từ hàng nghìn năm trước, được đưa vào qua các thương lái Đông Nam Á thời Xuân Thu Chiến Quốc. Trong quá khứ, sầu riêng là loại trái cây hiếm có, chỉ dành riêng cho tầng lớp hoàng tộc. Được xem như "mỹ vị của đế vương", loại quả này xuất hiện trong những dịp đặc biệt như lễ cúng tế, lễ khánh điển và các sự kiện trọng đại, biểu tượng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc.
Ngày nay, sầu riêng vẫn giữ vị trí là loại trái cây cao cấp, trở thành món quà ý nghĩa vào các dịp quan trọng. Từ những ngày lễ Tết đến các sự kiện như đám cưới, sầu riêng không chỉ mang giá trị ẩm thực mà còn thể hiện sự trân trọng và quý mến của người trao tặng.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, phát triển các giống trái cây chất lượng cao và đa dạng hóa thị trường sẽ là chìa khóa để duy trì đà tăng trưởng và củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.