EVN đang bị đề nghị thanh tra, kiểm toán đặc biệt. Có gì tại EVN?
Những ngày gần đây nhiều thông tin về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đặc biệt thông tin EVN lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng khiến dư luận quan tâm. Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị phải thanh tra, kiểm toán đặc biệt, toàn diện mọi hoạt động của EVN.
Thanh tra Chính phủ: EVN có nhiều sai phạm
Tập đoàn điện lực Việt Nam là một tập đoàn kinh tế lớn, do nhà nước làm chủ sở hữu. Tập đoàn có nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu về điện phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Giai đoạn năm 2012-2014 được xem là một trong những bước ngoặt trong thời kỳ đổi mới của EVN khi ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên lúc đó, bị miễn nhiệm do điều hành yếu kém. Cũng thời gian đó, kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2014 cho thấy EVN có nhiều sai phạm về đầu tư vốn ngoài ngành. Ngoài ra trong công tác vận hành cũng có nhiều sai phạm.
Cùng với đó EVN có biến động nhân sự. Vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên của EVN “qua tay” nhiều người trước khi ông Dương Quang Thành được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm vào tháng 3/2015.
Ông Dương Quang Thành sinh năm 1962, có gần 40 năm công tác trong ngành điện. Trước khi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Dương Quang Thành từng là Phó Tổng Giám đốc trong nhiều năm.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên của EVN |
EVN đang kinh doanh ra sao dưới thời ông Dương Quang Thành?
Trước khi về hưu, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên là người dẫn dắt EVN. Tình hình kinh doanh của EVN ghi nhận có nhiều khác biệt giữa công ty mẹ và tình hình kinh doanh hợp nhất.
EVN hợp nhất lãi lớn
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn từ 2015-2020, EVN ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng mạnh. Doanh thu toàn tập đoàn từ mức trên 240.700 tỷ đồng năm 2015 đã vượt 338.500 tỷ đồng năm 2018; đạt gần 403.300 tỷ đồng vào năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ 3.700 tỷ đồng năm 2015, đến trên 9.700 tỷ đồng năm 2019 và bất ngờ đạt gần 14.500 tỷ đồng vào năm 2020.
Một trong những nguyên nhân khiến doanh thu và có thể cả lợi nhuận của EVN tăng mạnh giai đoạn này do giá bán điện tăng mạnh theo thời gian (ngoại trừ năm 2016 có giảm sút).
Trên trang chủ của EVN chỉ công bố báo cáo tài chính hợp nhất cập nhật đến hết quý 2/2021, trong đó ghi nhận doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm tăng 11,3% lên 211.632 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần gấp 4 lần cùng kỳ, lên 6.825 tỷ đồng.
Công ty mẹ EVN lỗ 22.200 tỷ đồng nửa đầu năm 2022
Một điểm khác biệt trong bức tranh kinh doanh của EVN là trong khi tình hình kinh doanh hợp nhất tăng trưởng mạnh, thì công ty mẹ lại không có nhiều đột biến.
Báo cáo cho thấy giai đoạn 2014-2015 khi công ty đang thực hiện thanh tra tổng thể, lợi nhuận sau thuế quanh mức 500-600 tỷ đồng. Năm 2016 cũng không có nhiều đột biến cả về doanh thu và lợi nhuận.
Năm 2017 công ty mẹ EVN lãi sau thuế trên 1.300 tỷ đồng và vượt 2.100 tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2021 ghi nhận mức kỷ lục về doanh thu với 330.244 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế kỷ lục với 5.871 tỷ đồng.
Năm 2022, đến thời điểm hiện tại, website của EVN mới công bố báo cáo tài chính riêng công ty mẹ 6 tháng đầu năm với số lỗ 22.200 tỷ đồng khiến giới chuyên môn, những nhà đầu tư chú ý.
Số liệu cụ thể, doanh thu thuần công ty mẹ 6 tháng đầu năm đạt đạt 189.195 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2021. Chi phí vốn cao hơn doanh thu khiến EVN lỗ gộp gần 13.400 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Trong kỳ doanh thu tài chính đạt 4.746 tỷ đồng, giảm 1.550 tỷ đồng tương ứng giảm 24,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó chi phí tài chính tăng vọt từ 10.600 tỷ đồng lên 12.737 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 20% so với cùng kỳ.
Trừ các chi phí khác, 6 tháng đầu năm 2022 công ty mẹ EVN lỗ sau thuế 22.215 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2021 vẫn lãi sau thuế 3.290 tỷ đồng.
Vì đâu lỗ nặng?
Câu hỏi đặt ra cho EVN những ngày gần đây vẫn là vì đâu lỗ nặng?. Cùng đi tìm câu trả lời.
Thứ nhất: EVN đang kinh doanh dưới giá vốn. Báo cáo cho thấy chi phí vốn lớn hơn doanh thu, nên công ty lỗ gộp gần 13.400 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Tuy vậy nguyên nhân tại sao giá vốn tăng cao, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành, cùng điều kiện kinh doanh vẫn có lãi?
Một điểm cần lưu ý, cấu thành chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố trong kỳ 203.660 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong số đó, chi phí cho nguyên, nhiên liệu, chi phí vật liệu tổng gần 7.400 tỷ đồng - chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Chi phí nhân công cũng gần như đi ngang. Chi phí khấu hao tài sản không có nhiều biến động. Khoản chi phí biến động nhiều nhất là chi phí dịch vụ mua ngoài 185.407 tỷ đồng, tăng gần 149.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Thứ 2: Chi phí tài chính tăng mạnh. Tổng chi phí tài chính trong năm hết 12.737 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chỉ hơn 2.700 tỷ đồng. Lỗ tỷ giá cùng chỉ chưa đến 150 tỷ đồng. Còn lại là 9.880 tỷ đồng “chi phí tài chính khác”.
Đây là những nguyên nhân chính trên thuyết minh báo cáo tài chính dẫn tới khoản lỗ khổng lồ nửa đầu năm 2022 của EVN.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa XV, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết, mới đây, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN. Theo đó, kết quả cho thấy, năm 2022, EVN đã lỗ hơn 26.235 tỷ đồng.
“Vì sao tập đoàn mẹ là EVN thì báo lỗ, nhưng các đơn vị thành viên lại có lãi? Cơ chế độc quyền có dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả, thao túng thị trường điện không?… Đề nghị Chính phủ thành lập đoàn thanh tra đặc biệt để xem xét vấn đề này"- ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu vấn đề về việc EVN báo cáo và khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh điện liên tục thua lỗ và khoản lỗ lên tới hơn 26.000 tỷ đồng. Vậy cùng một hệ sinh thái, tại sao công ty mẹ báo lỗ mà các công ty con vẫn báo lãi cao trong năm 2022? Nguyên nhân khoản lỗ này là ở đâu? Ngoài ra, EVN kêu thiếu điện nhưng việc đàm phán điện gió, điện mặt trời bao lâu rồi vẫn chưa ngã ngũ, vô hình chung tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn.
Lý giải về việc EVN thua lỗ trong khi các thành viên lãi cao, và vấn đề lãng phí điện mặt trời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương: Cái này có vướng gì không? Nếu vướng về vấn đề giá điện thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để cùng xây dựng giá, đảm bảo giải toả được nguồn vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng và bỏ vốn ra làm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Công Thương bảo rằng “không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức là hiện nay chúng ta đủ tải rồi”.
“Tôi có hỏi lại, nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện mua của nước ngoài? Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời là đã ký hiệp định với nước ngoài rồi, bây giờ không thể đàm phán để cắt được. Đấy là nguyên nhân. Chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và phải giải quyết như thế nào”, ông Phớc cho hay.
EVNHANOI lắp đặt 100% công tơ điện tử đo xa cho khách hàng sử dụng điện
Bảo đảm cung ứng than để huy huy động nhiệt điện ở mức cao trong năm 2025