EVN lý giải việc lỗ lớn nhưng công ty con vẫn có chục nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng

07-06-2023 16:10|Quỳnh Chi

Công ty con có chục nghìn tỷ gửi ngân hàng là "để đảm bảo dòng tiền cho sản xuất kinh doanh, kịp thời thanh toán nợ gốc, lãi vay cho các đơn vị".

Gửi ngân hàng là "để đảm bảo dòng tiền"

Trong văn bản gửi Ủy ban Kinh tế và các đại biểu Quốc hội mới đây, liên quan đến câu hỏi vì sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ mà công ty con vẫn gửi ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng, EVN giải thích: Cần xem xét con số gửi hàng chục nghìn tỷ với số dư nợ ngắn hạn, khoảng 60.045 tỷ đồng, tại cùng thời điểm của các công ty thành viên.

Theo EVN, các khoản nợ ngắn hạn trên cho thấy số nợ vay tại các đơn vị là rất lớn. "Nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới", tập đoàn này giải thích.

Ngoài ra, số tiền này được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký. Số tiền này cũng để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải (tiêu thụ điện năng), và chi phí cho sản xuất kinh doanh.

"Các tổng công ty điện lực phải chủ động cân đối dòng tiền phù hợp để đảm bảo thanh toán nợ gốc, lãi vay kịp thời cho các đơn vị tín dụng, thanh toán cho các nhà cung cấp, các nhà máy điện theo quy định, và có trách nhiệm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị", EVN cho biết.

Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Phú Yên) đặt vấn đề hiệu quả hoạt động kinh doanh của EVN khi năm 2022 công ty báo lỗ 26.000 tỉ đồng và xin điều chỉnh tăng giá điện tới 8 lần nhưng vẫn tiếp tục báo lỗ.

Điều đáng nói là công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. "Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỉ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?", bà Yên hỏi.

Việc này cũng từng được Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An giải thích tại cuộc họp báo ngày 26/5. Ông cho biết, nguyên tắc vận hành thị trường là EVN mua các nguồn điện theo cơ chế từ giá thấp đến cao. Tức là nhà máy phát điện nào chào giá thấp trên thị trường được huy động trước, giá cao sẽ huy động cuối cùng. Do đó, các nguồn từ thủy điện, than, khí, dầu, năng lượng tái tạo đều bán hết cho Tập đoàn điện lực Việt Nam.

"EVN hiện là nơi mua duy nhất, đóng vai trò mua hộ, phải mua với chi phí đắt đỏ, trong khi giá bán điện tới khách hàng do Nhà nước điều tiết", ông An nói.

EVN đóng vai trò mua hộ và phải chịu các chi phí cao khi giá mua điện tăng, giá bán ra thấp nên gây lỗ. "Đây vừa là cái khó nhưng cũng là vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", Thứ trưởng Công Thương giải thích.

Vì sao phải nhập khẩu điện mà không mua điện tái tạo?

Về việc tại sao nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc mà không mua điện gió và điện mặt trời, đề cập trong báo cáo gửi đại biểu, tập đoàn này cho biết sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, trong đó nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày (chiếm chưa tới 1,3% sản lượng toàn quốc).

“Những nguồn này không hẳn thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên chính phủ. Chúng ta cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau”, EVN cho hay.

Về năng lượng tái tạo, EVN cho hay thời gian qua phát triển mạnh nhưng chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, khó khăn về cung cấp điện trong một số thời điểm lại diễn ra ở miền Bắc.

Đồng thời do giới hạn về mặt kỹ thuật để bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc.

EVN kinh doanh thế nào dưới thời "tướng về hưu" Dương Quang Thành?

Thành lập đoàn thanh tra về cung ứng điện của EVN

EVN cấm các công ty thành viên bật điều hoà khi thời tiết dưới 35 độ C

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/evn-ly-giai-viec-lo-lon-nhung-cong-ty-con-van-co-chuc-nghin-ty-dong-gui-ngan-hang-186722.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
EVN lý giải việc lỗ lớn nhưng công ty con vẫn có chục nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng
POWERED BY ONECMS & INTECH